Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó giám đốc Sở KHĐT TP.Cần Thơ, cho biết dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 47 triệu USD (tương đương trên 1.054 tỉ đồng), trong đó 20% là vốn tự có của chủ đầu tư và 80% còn lại do chủ đầu tư vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo bà Vỵ, dự án được xây dựng tại khu xử ký chất thải rắn của huyện Thới Lai trên tổng diện tích là 53,531ha nhằm xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện của thành phố, công suất xử lý 400 tấn rác/ngày.
Trước đó, có tổng cộng 7 đơn vị đăng ký đầu tư, tuy nhiên sau quá trình tuyển chọn, địa phương đã chọn ra được 2 nhà đầu tư, trong đó có Công ty TNHH China Everbright quốc tế của Trung Quốc. Như vậy, việc xử lý rác của Cần Thơ sau này sẽ do doanh nghiệp Trung Quốc này “lo liệu”.
Ông Võ Thành Thống (trái), Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp Trung Quốc |
Như đã thông tin, năm 2004, khi tỉnh Cần Thơ được chia tách thành tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ thì bãi rác Cái Răng bị xóa sổ để bảo vệ mỹ quan thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó, rác thải của TP.Cần Thơ được đổ ké tại bãi rác của tỉnh Hậu Giang.
Nhưng rồi người dân địa phương kêu ca về bãi rác khổng lồ gây ô nhiễm nên tỉnh Hậu Giang phải quy hoạch bãi rác mới. Cũng từ đó, TP.Cần Thơ không được… đổ ké nữa.
Rác thải của TP.Cần Thơ tạm được đưa về bãi rác ở Q.Ô Môn. Nơi này được quy hoạch với tên gọi rất kêu: Khu xử lý chất thải rắn của TP.Cần Thơ. Nhưng khu xử lý mà không hề xây dựng nhà máy xử lý, nên rác chở về cứ chất đống, hôi thối không ai chịu nổi nên vào ngày 20.4.2014, người dân sống gần bãi rác đã quyết liệt ngăn xe, không cho vào đổ tiếp.
Đó là nguyên nhân dẫn đến việc TP.Cần Thơ trở thành… “đầu nậu” rác suốt năm 2014, dẫn đến chuyện phải “nâng cấp” bãi rác ở huyện Cờ Đỏ, giúp cho Cần Thơ giải quyết chuyện rác trong thời gian qua, trong lúc chờ nhà đầu tư nhà máy xử lý rác.
Nhưng bãi rác ở huyện Cờ Đỏ cũng đã quá tải, và đến thời điểm này, Cần Thơ quyết định chọn doanh nghiệp Trung Quốc để đầu tư nhà máy xử lý rác.
Theo motthegioi.vn
Ý kiến bạn đọc