Làm rõ việc cho vay tiền tại Agribank

20:04, 20/12/2016
|

Ngày 20/12, phiên tòa phúc thẩm đại án tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng được tiếp tục. Tại phiên xử này, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành làm rõ việc cho vay tiền của Agribank.

Theo đại diện Agribank tại phiên tòa, từ 7/2007 - 1/2011, Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội và Ninh Bình đã cho Công ty Enzo Việt vay. Từ 28/1/2011, tiếp tục cho vay với liên doanh Lifepro. Tổng số tiền vay của liên doanh này hơn 3.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng. Tổng số dư nợ mà Agribank yêu cầu các công ty này trả cả gốc lẫn lãi là hơn 4.888 tỷ đồng.

Đối với việc giải ngân của Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội cho Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, đại diện Agribank cho biết, đã giải ngân hơn 2.177 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình giám sát, Agribank phát hiện một số thiếu sót của công ty này nên đã kiến nghị biện pháp và có những chấn chỉnh để khắc phục.

Còn đối với việc mua thương hiệu trị giá 50 triệu USD, theo đại diện Agribank, việc giải ngân được thực hiện khi Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam chưa chuyển vốn tự có để mua thương hiệu, máy móc, chưa kiểm tra tính pháp lý, chưa đăng ký tại cục sở hữu trí tuệ…

Đại án tham nhũng tại Agribank: Làm rõ việc cho vay tiền
Đại án tham nhũng tại Agribank: Làm rõ việc cho vay tiền

Liên quan đến vấn đề này, HĐXX đã công bố lời khai của Đỗ Tiến Long – cựu cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội do bị cáo đang điều trị bệnh tại Bệnh viện K và có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo lời khai của Long, Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam đã thiếu hợp tác sau khi được ngân hàng giải ngân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội cũng “thúc ép” trong việc giải ngân cho công ty này. Ngoài ra, lời khai của bị cáo Long cũng cho thấy, tài liệu đánh giá thẩm định dự án của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam là một tài liệu không có thật dẫn đến hàng loạt sai phạm sau đó như việc giải ngân, nâng quyền phán quyết cho Phạm Thị Bích Lương - nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.

Trước tình tiết này, các bị cáo Nguyễn Hữu Thanh - nguyên Phó trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Trương Thị Út - nguyên Phó Trưởng phòng tín dụng và Nguyễn Thị Nguyệt Thanh - nguyên Trưởng phòng Thanh toán quốc tế của Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội đều thừa nhận là thiếu sót, không đúng. Trong khi đó, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ký báo cáo khả thi dựa trên đánh giá thẩm định đối với dự án của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam là đúng hay sai? Bị cáo Lương khẳng định việc mình ký là đúng.

Tiếp tục thẩm vấn về việc giải ngân số tiền cho Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam vay, bị cáo Lương cho biết, đã ký hai hợp đồng tín dụng vào tháng 4/2011. Ngoài ra, bị cáo này còn ký 2 hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay dài hạn và ngắn hạn. Đó là tài sản hình thành từ vốn vay, vốn tự có của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.

Đối với việc giải ngân cho Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam số tiền 15 triệu USD để mua thương hiệu, bị cáo Nguyệt Thanh cho biết, do hồ sơ giải ngân cần bổ sung lệnh chuyển tiền gốc nên bị cáo đã chuyển cho Long nhưng không được phúc đáp. Vì vậy, bị cáo đã đưa lên cho Lương. Sau đó, Lương đã xác nhận yêu cầu của bị cáo Nguyệt Thanh. Tuy nhiên, bị cáo Lương cho rằng lời khai này không chính xác. Đối đáp lại, bị cáo Thanh khẳng định, đã đề nghị dừng chuyển tiền nhưng Lương vẫn yêu cầu thực hiện.

Về khoản giải ngân 35 triệu USD, bị cáo Lương cho hay, việc giải ngân phải báo cáo HĐQT. Bị cáo Út là người soạn thảo và trình bị cáo để gửi lên Tổng Giám đốc. Trong việc giải ngân khoản vay này, theo lời khai của Lương, do vốn tự có của DN chưa đủ theo yêu cầu của ngân hàng nên đã trình lãnh đạo nhưng mới chỉ được đồng ý bằng miệng…

Theo kinhtedothi.vn


Ý kiến bạn đọc