(VnMedia) - “Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải, khai báo hóa chất đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, hàng vạn ngày công cho DN” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thông tin một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy Việt Nam ở mức trung bình, trong đó chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 nhưng có những chỉ số đứng thứ 116-120.
Nói về môi trường kinh doanh do WB đánh giá, xếp hạng qua 3 năm Việt Nam thực hiện Nghị quyết 19 (2014-2016), Phó Thủ tướng cho biết trong 10 nhóm chỉ tiêu có đến 41 chỉ tiêu cụ thể để đánh giá, chấm điểm.
Việt Nam hiện xếp hạng thứ 82, có những thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24 nhưng khởi sự kinh doanh đứng thứ 121, đặc biệt thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng 167, giải quyết tranh chấp, phá sản xếp thứ 125.
Còn báo cáo của WEF về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu chia làm 3 trụ cột với 12 nhóm tiêu chí và 114 tiêu chí cụ thể.
So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu mức trung bình của ASEAN-4, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể.
"Hiện nay chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN-6, tính cả Singapore, thì chúng ta phải tiến tới vị trí 56, còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới”.
Nhấn mạnh đến thực tế hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng các nước khác cũng tiến rất nhanh, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương.
“Về thuế, chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi còn khoảng cách và để văn bản xuống đến thực tế, cần các sở, ngành, địa phương vào cuộc cùng Trung ương. Hay trong khởi sự kinh doanh thì thủ tục đăng ký DN theo văn bản quy định mất 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến 5 ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Nêu ví dụ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải, khai báo hóa chất đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, hàng vạn ngày công cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng vốn gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi mọi loại thiết bị sử dụng năng lượng khi nhập vào Việt Nam đều phải kiểm tra, dán nhãn năng lượng, dù năng lực kiểm định của Việt Nam có hạn.
Phó Thủ tướng cho rằng bản chất của việc cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thuê dịch vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
“Ở đây có câu chuyện rất thật là doanh nghiệp có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ. Vì vậy cần có cơ chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của doanh nghiệp ở bên dưới”, Phó Thủ tướng nêu ý kiến.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc