Ông Vũ Mão: Phê bình kém, ngại đụng chạm dẫn tới suy thoái

09:05, 20/11/2016
|

Phê và tự phê là vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng. Tuy nhiên, vì ngại đụng chạm, nể nang nên nhiều sai phạm của cán bộ, đảng viên chậm được phát hiện

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu rõ một trong những việc chưa đạt được mục tiêu đó là phê bình và tự phê bình vẫn còn mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Chính vì nể nang, né tránh, ngại va chạm đã dẫn tới nhiều khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên chậm được phát hiện.

Chia sẻ quan điểm về thực tế này, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái trong Đảng, khiến lòng tin trong dân với Đảng bị giảm sút.

Ông Vũ Mão  - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội


PV: Từ Hội nghị TƯ 4 khóa XI, việc phê bình và tự phê đã được nhấn mạnh, tại sao ở Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 lần này, việc này vẫn là một nội dung quan trọng?

Ông Vũ Mão: Vấn đề phê bình và tự phê bình là vấn đề quan trọng cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng, từ trước đến nay Đảng ta vẫn coi trọng khâu này. Thời gian trước đây, khâu này được coi trọng và làm khá tốt. Tuy nhiên, trong vài chục năm trở lại đây, việc phê bình và tự phê bình chưa được tốt. Vì thế, Hội nghị TƯ 4 khóa XI đã đi sâu phân tích và đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường phê bình và tự phê bình, vấn đề cốt lõi để xây dựng Đảng.

Từ Hội nghị TƯ 4 khóa XI đến Hội nghị TƯ 4 khóa XII, khâu này chuyển biến không được bao nhiêu. Thực tế này rất đáng phải suy nghĩ. Đã từng sinh hoạt ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở, tôi thấy rằng việc phê bình và tự phê bình nói chung là yếu, nể nang. Xu hướng nể nang, tránh va chạm dường như đang rất phổ biến, không chỉ ở cấp cơ sở, mà từ cấp trung ương.

Hội nghị TƯ 4 khóa XII tiếp tục đưa ra, phân tích và đòi hỏi, buộc chúng ta phải có một cách làm đổi mới hơn nữa, mới hy vọng mang lại những hiệu quả nhất định.

Nói chung công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ của ta hiện nay đang có rất nhiều vấn đề cần phải phân tích, đánh giá, bổ sung để đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt trong công tác phê bình và tự phê bình. Dường như, lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay không được như xưa, một trong những nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ cơ chế thị trường chúng ta đang vận hành. Mặc dù nền kinh tế đó là rất cần thiết, đưa đất nước đi lên, nhưng mặt trái của nó khiến cho con người ta chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân. Nếu không có sự rèn luyện, con người ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

PV: Thưa ông, có sự liên hệ nào giữa phê bình và tự phê bình với việc suy thoái tư tưởng, đạo đức trong cán bộ, Đảng viên?

Ông Vũ Mão: Phê bình kém, ngại ngùng, nể nang; không dám dũng cảm tự phê bình những thiếu sót của mình, từ đó dẫn tới suy thoái. Sự rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên kém lại bị tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, dẫn tới tình trạng, cứ phải có phong bì công việc mới chạy, mới được giải quyết. Hiện tượng đó đang khá phổ biến, khiến cho niềm tin của người dân vào Đảng, bộ máy Nhà nước giảm sút. Đó là hiện tượng rất không hay trong xã hội ta hiện nay.

PV: Chúng ta vẫn nói “tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng trong các cơ quan, tổ chức việc thực hiện nội dung này vẫn rất hình thức. Phải chăng người phê và tự phê vẫn ngại việc kiểu như “lạy ông tôi ở bụi này” hay do việc tiếp nhận sự phê và tự phê của mọi người chưa hoàn toàn tích cực?

Ông Vũ Mão: Để nêu ra khuyết điểm của bản thân và của người khác, người ta phải làm một cuộc đấu tranh với chính mình. Đặc biệt với khuyết điểm của cấp trên, người ta càng ngại, bởi khuyết điểm được nêu ra liệu có được tiếp thu hay không, người góp ý liệu có bị thù hằn, trù dập, thậm chí có khi còn bị đe dọa.

PV: Để sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình trong Đảng một cách có hiệu quả, theo ông cần phải làm gì?

Ông Vũ Mão: Phải kết hợp phê bình, tự phê bình thường xuyên và phải có quy định rất cụ thể, đồng thời phải có kiểm tra giám sát. Trong công tác quản lý nhà nước người ta có thể nhìn thấy nhiều vấn đề nhưng trong sinh hoạt Đảng, để những vấn đề đó được đưa ra, đòi hỏi vai trò của thủ trưởng cơ quan phải quyết liệt, gương mẫu; muốn quyết liệt trước hết phải gương mẫu.

Một biện pháp quan trọng khác là kiểm soát quyền lực. Thực tế, phần lớn các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thời gian qua đều do báo chí điều tra, phanh phui ra chứ không phải trong nội bộ cơ quan, địa phương phát hiện được.

PV: Xin cảm ơn ông./.

(theo VOV)


Ý kiến bạn đọc