Chưa hết hạn đã phải đổi giấy phép lái xe, nhiều người dính 'bẫy lừa' của 'cò mồi'

18:05, 19/11/2016
|

Ấm ức vì phải đổi giấy phép lái xe khi giấy phép cũ chưa hết hạn, nhiều người còn mất tiền oan vì bị đội quân "cò mồi" lừa đảo.

Theo thông tư số 58/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải, ban hành ngày 20/10/2015, người có giấy phép lái xe (GPLX) ô tô bìa giấy phải chuyển đổi sang vật liệu PET trước 31/12/2016. 

Sau ngày này, trong 6 tháng, người có GPLX bìa giấy nếu muốn chuyển đổi sẽ phải thi sát hạch lý thuyết.

Chưa hết hạn đã phải đổi giấy phép lái xe, lại bị 'cò' lừa
 

Vì lý do trên, nhiều người đã vội đi làm lại Giấy phép lái xe ô tô cho kịp xong trước ngày 31/12.

Sáng sớm ngày 18/11, phòng tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX ở Tổng cục đường bộ Việt Nam đã có rất đông người đến xếp hàng. Lịch tiếp nhận hồ sơ đổi Giấy phép lái xe ghi rõ: sáng từ 8h-11h30. Tuy nhiên, chỉ đến 9 giờ sáng, nơi này đã thông báo dừng nhận hồ sơ. Kết quả là rất nhiều người đến xếp hàng từ sớm đã phải ra về.

Một số người có giấy phép lái xe còn giá trị sử dụng nhiều năm nữa (2021, 2022) đã đi đổi bằng lái trong sự ấm ức. Họ đặt qua câu hỏi: Vì sao phải làm lại bằng lái xe, khi bằng cũ vẫn còn hạn sử dụng? Vì sao nếu không đổi bằng PET thì phải thi lại lý thuyết?

Chị Hiền Anh ở quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết đã nghe thông tin về thông tư 58 từ bạn bè nên phải thu xếp công việc và thời gian để đi đổi GPLX. Chị nói: "Tôi đồng tình với việc đổi bằng giấy sang vật liệu PET. Nhưng việc đổi bằng chỉ nên áp dụng với các trường hợp sắp hết hạn, trong khi bằng lái xe của tôi vẫn còn hạn tới tận năm 2021".

Cùng chung ý kiến này, chị Hạnh, ở Hai Bà Trưng ấm ức: "Nếu bằng lái của tôi hết hạn thì đã đành, đằng này thời hạn còn dài mà chúng tôi vẫn phải đi đổi bằng mới, làm mất thời gian, công sức và tiền bạc...".

Nhiều người dính "bẫy lừa" của "cò mồi"

Tại nhiều điểm cấp, đổi GPLX, ngay từ ngoài cổng, đội quân "cò mồi" hoạt động khá tích cực. Họ ngồi vạ vật ở những quán nước trước cổng để chào mời.

Anh Dũng ở Hà Đông kể: Anh vừa dừng xe ở cổng Tổng cục Đường bộ VN thì thấy một nam thanh niên xuất hiện chào mời. Vì ngại phải đi làm những thủ tục hành chính mất thời gian và cho rằng, riêng tiền khám sức khỏe đã mất vài trăm ngàn nên anh Dũng đồng ý mức giá 500.000 đồng để được "cò" làm giúp.

Chưa hết hạn đã phải đổi giấy phép lái xe, lại bị 'cò' lừa

Phòng tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX của Tổng cục Đường bộ VN

Sau khi để lại chứng minh thư và 500.000 đồng, gã "cò mồi" hẹn anh Dũng sáng hôm sau đến sớm để lấy số rồi vào chụp ảnh. Đến thật sớm, anh Dũng lấy được số 4 nên không phải chờ lâu để làm xong thủ tục đổi GPLX. Ngoài 500.000 đồng nộp cho gã "cò mồi", anh Dũng còn phải tự nộp tiền lệ phí 135.000 đồng để đổi GPLX theo quy định.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất các thủ tục với gã "cò mồi", anh này mới biết, nếu GPLX chưa hết hạn thì không cần nộp giấy khám sức khỏe. Sở dĩ anh Dũng lấy được số 4 và không phải chờ lâu vì anh thực hiện đúng lời gã "cò mồi" dặn đi dặn lại: "Anh nhớ đến thật sớm".

Sáng 18/11, một đôi vợ chồng trẻ đến đổi GPLX ở Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, họ mới mất mỗi người 200.000 đồng cho một gã "cò mồi" ở ngay trước cổng. Sau khi thu tiền của đôi vợ chồng này, gã "cò mồi" photo chứng minh thư và bằng lái, đưa cho họ tờ đơn điền thông tin cá nhân của họ rồi bảo: "Cứ vào đưa cho chị phụ nữ trong đó".

Làm theo lời dặn của gã "cò mồi", người vợ ngơ ngác không thấy chị phụ nữ nào ở cửa tiếp nhận hồ sơ, khi gọi điện lại cho gã "cò mồi" thì đầu dây bên kia không nhấc máy.

Trong buổi sáng 18/11, đôi vợ chồng này đã không thể nộp được hồ sơ để đổi GPLX, vì đến 9 giờ, loa thông báo không tiếp nhận hồ sơ. Khi họ gặp gã "cò mồi" đòi lại tiền thì nhận được câu trả lời: "Chị thông cảm, hôm nay có phóng viên nên họ không dám nhận. Mai chị nhớ ra thật sớm nhé...".

Ngay ngoài cửa phòng tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có dán thông báo về tình trạng cò mồi cấp, đổi GPLX, trong đó nêu rõ: Ngoài cổng Tổng cục có một số đối tượng cò mồi dụ dỗ, lừa gạt người dân đến đổi giấy phép lái xe. Để tránh thiệt hại cho nhân dân, đề nghị người dân đến làm trực tiếp, không thông qua cò mồi... Mặc dù vậy, vẫn không ít người bị đội ngũ "cò mồi" lừa đảo, mất tiền oan.

Theo Vietnamnet


Ý kiến bạn đọc