Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm

16:37, 02/11/2016
|

(VnMedia) - “Sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta thấy rằng, môi trường chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy, việc đổi mới cơ cấu nền kinh tế chính là xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Sáng 2/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) tại hội trường, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm góp ý về vấn đề môi trường. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Lo Phú Thọ thành bãi chứa chất thải nguy hại của cả nước 

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu vấn đề cụ thể của địa phương, đó là hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH môi trường Phú Hà huyện Phù Linh ảnh hưởng rất lớn đến ô nhiễm mỗi trường. Đây là nhà máy được cấp phép hoạt động nằm ở thượng nguồn sông Lô chảy qua tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh khác.

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho biết, ban đầu công ty được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bao gồm thu gom, xử lý chất thải trong phạm vi tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, về sau công ty được Bộ TM&MT cấp phép mở rộng phạm vi hoạt động các vùng trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long mà không có ý kiến của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ.

“Việc vận chuyển tiếp nhận xử lý chất thải nguy hại hiện nay của Công ty TNHH môi trường Phú Hà với các tỉnh trên phạm vi cả nước là không thể kiểm soát được. Theo phản ánh của báo chí trong đó có cả chất thải của nhà máy Formosa Hà Tĩnh đưa ra trong một thời gian rất dài…, gây ra hậu quả không lường đến môi trường sống” - đại biểu Cao Đình Thưởng bức xúc cho biết.

Theo ông Cao Đình Thưởng thì với việc tiếp nhận các chất thải nguy hại trên cả nước của Công ty TNHH môi trường Phú Hà, nếu việc xử lý không nghiêm ngặt, đúng quy trình thì Phú Thọ sẽ trở thành bãi chứa chất thải nguy hại của cả nước, như vậy sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm trầm trọng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của hàng triệu người dân vùng hạ lưu Sông Lô.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cho kiểm tra dự án này và điều chỉnh dự án trên địa bàn vận chuyển chất thải từ tỉnh ngoài vào Phú Thọ theo nguyên tắc, chất thải của địa phương nào thì xử lý tại địa phương ấy, trừ trường hợp thật đặc biệt. Trước mắt, yêu cầu công ty ngừng tiếp nhận chất thải nguy hại từ tỉnh ngoài vào Phú Thọ để chờ kiểm tra, xem xét” - đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị.

Vụ Formosa: Chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm?

Trong khi đó, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) nhận định, hành động xả thải của Formosa là hành vi vi phạm Bộ luật Hình sự nhưng trên thực tế đang xem xét ở mức vi phạm hành chính và bồi thường kinh tế.

“Lượng tiền 500 triệu USD mà Formosa bỏ ra để bồi thường được dựa trên thực tế hay dựa vào đàm phán, thỏa thuận? Nếu số tiền trên không đủ để đền bù cho dân thì ai sẽ bù đắp cho đủ hay người dân và địa phương tự khắc phục?" - đại biểu tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Công Thuật cũng thắc mắc, đến nay chưa ai đứng ra để nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa.

“Hoặc chúng ta chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đối với vấn đề Formosa, trong đó có 58 lỗi kỹ thuật, biểu hiện của sự gian dối. Nhưng vấn đề Formosa nhất định phải làm rõ, minh bạch, nghiêm túc, hiện nay chúng ta không xem xét xử lý một cách rõ ràng thì ai sẽ trả lời và phán xét?” - đại biểu Trần Công Thuật đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, cần mở rộng diện được bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra, trong đó cần xem xét để các doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng.

Nhấn mạnh “sự cố môi trường biển làm tan nát cả ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch bị điêu đứng, thiệt hại rất lớn” - đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị cần có giải pháp để cứu giúp các doanh nghiệp du lịch đang có nguy cơ bị phá sản, đồng thời đề nghị cần cân nhắc mức đền bù thỏa đáng hơn và tính đến thời gian bồi thường 6 tháng đã hợp lý chưa.

“Nếu chỉ nghĩ rằng đền bù cho người dân và một vài chính sách hỗ trợ nữa là giải quyết xong hậu quả thì đó là một suy nghĩ, nhận thức chưa được thấu đáo. Cả một nền kinh tế nước nhà bị tụt hậu, suy giảm, không thể khắc phục một sớm, một chiều. Rất mong muốn cần nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề này để cuộc sống dần ổn định” - đại biểu Trần Công Thuật nói.

Đại biểu Thuật cũng cho biết rất không đồng tình và phản đối một số người lợi dụng vi phạm Formosa để làm phức tạp thêm tình hình, gây rối, làm mất an ninh, trật tự xã hội, thiếu tinh thần xây dựng.

Môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa

Giải trình chung trước Quốc hội về các vấn đề môi trường vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cách giải quyết căn cơ vấn đề môi trường là tái cơ cấu kinh tế, thay đổi từ một nền kinh tế xâm dụng vào nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, xâm dụng vào chi phí môi trường.

“Sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta thấy rằng, môi trường chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy, việc đổi mới cơ cấu nền kinh tế chính là xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường” - ông Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ ra, trước đây, môi trường thường đi sau hoạt động phát triển, phát triển trước, làm sạch sau. Nhưng theo ông, đến nay, vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình phát triển, vấn đề môi trường phải nằm ngay trong dự án đầu tư, trong từng chiến lược, quy hoạch.

“Chính vì vậy, sau sự cố, Chính phủ đã làm được nhiều công việc, từ giải quyết sự cố cụ thể đến rà soát lại toàn bộ nguồn thải trên quá trình phát triển kinh tế trước đây. Chúng tôi đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở từ khu công nghiệp đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, giấy, dệt nhuộm… và chúng tôi đã có những con số rõ ràng cho thấy trong thời gian tới cần có những biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong vấn đề thực hiện nghiêm luật bảo vệ môi trường, đồng bộ các giải pháp từ đánh giá tác động môi trường đến giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường, thông tin môi trường…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Về những vấn đề cụ thể mà các đại biểu nêu như việc cấp phép cho công ty môi trường Phú Hà hay vấn đề đền bù sau sự cố Formosa, ông Trần Hồng Hà hẹn sẽ trả lời riêng các đại biểu sau.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc