Vụ cháy quán karaoke: Vì sao không cứu được các nạn nhân ?

14:36, 02/11/2016
|

(VnMedia) - Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, quán karaoke là nhà có hai mặt tiếp xúc, nhưng đằng trước không có khả năng vào vì các khung thép, lồng sắt, biển quảng cáo che hết, phía sau thì thang thoát hiểm, hành lang bằng thép nên nhiệt độ rất cao...

Hiện trường vụ cháy trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội. Ảnh: VnExpress
Hiện trường vụ cháy trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội. Ảnh: VnExpress

Như VnMedia đã đưa tin về vụ cháy quán karaoke khiến 13 người thiệt mạng, thông tin cơ quan chức năng cho biết quán này chưa được cấp phép hoạt động, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Những tồn tại về công tác phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội đã được cảnh báo nhiều lần, trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thực sự được cải thiện.

Bên hành lang Quốc hội sáng 2/11, Bí thư Hoàng Trung Hải đã trao đổi về vấn đề phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội.

-  Thưa Bí thư, ông nhận xét như thế nào về công tác phòng cháy, chữa cháy tại Hà Nội khi mà việc cứu hộ các vụ cháy dường như không hiệu quả?

Tại Hà Nội, tình trạng nguy hiểm đe dọa hoả hoạn đã được báo động, triển khai mạnh trong công tác kiểm tra rà soát. Ngay tại phiên họp HĐND gần đây đã tổ chức chất vấn về vấn đề này và đã đi kiểm tra, đưa ra giải pháp khắc phục. Nhưng qua vụ việc này, sẽ phải kiểm tra và xử lý quyết liệt, nghiêm hơn.

Ở đây, khi tiếp cận toà nhà để cứu hộ thì thấy các điều kiện để cho công tác phòng cháy chữa cháy tiếp cận rất khó khăn. Đây là nhà có hai mặt tiếp xúc, nhưng đằng trước không có khả năng vào vì các khung thép, lồng sắt, biển quảng cáo che hết.

Lực lượng chữa cháy đã phải phá tấm tôn và tính chuyện bổ cáp kéo biển quảng cáo xuống, nhưng khi cháy như vậy rất nguy hiểm vì khả năng sập đổ công trình nên phải tiếp cận theo các tuyến như: một tiếp cận từ mặt sau, một từ dưới nhà lên (mặt ngang nhà 5m, sâu 13m, thang máy ở giữa) và một tuyến tiếp cận từ trên nóc xuống và tòa nhà bên cạnh sang.

Tuy nhiên, tiếp cận từ đằng sau thì tuyến đi hẹp, thang thoát hiểm, hành lang bằng thép nên nhiệt độ rất cao. Tuyến đằng trước khó vì toàn bộ nhôm, sắt bịt kín. Điều đấy cho chúng ta thấy kinh nghiệm về việc xử lý công trình bảo đảm khả năng tiếp cận các phương tiện chữa cháy là phải hết sức tính toán trong thời gian tới.

Chúng tôi sẽ có cuộc họp đột xuất của thường trực về vấn đề này để có những giải pháp quyết liệt hơn giải quyết vụ này cũng như trong thời gian tới.

- Sau chất vấn tại HĐND về phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch Thành phố đã nói một câu là liệu cảnh sát phòng cháy chữa cháy có dấu hiệu bảo kê hay không mà đến lúc sự việc xảy ra, anh bán thiết bị mà không nói gì được? Ngoài ra, cách đây một tháng, Hà Nội cũng có xảy ra một vụ cháy karaoke tương tự và lúc đó, Thành phố có  chỉ đạo rà soát. Vậy, đến thời điểm này đã có kết quả gì chưa, thưa ông?

Cho tới thời điểm này chúng tôi đang yêu cầu Cảnh sát phòng cháy chữa cháy báo cáo và HĐND sẽ tiếp tục thực hiện công tác giám sát. Nguyên tắc của HĐND là giám sát đi giám sát lại những điểm đã giám sát xem khả năng khắc phục bao nhiêu. Các vụ cháy đã xảy ra thì đưa ra được những kết luận và  giải pháp rút kinh nghiệm cho các vụ khác. Những quán gần đây cháy hay các khu tập thể, hộ gia đình cháy thì bao giờ cũng có một báo cáo kết luận và các giải pháp khắc phục. Còn việc  bảo kê nếu có thì sẽ có điều tra và cơ quan điều tra nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Chủ tịch đặt ra câu hỏi liệu có khả năng xảy ra bảo kê hay không chứ chưa phát hiện được để tư lệnh cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra xem có tình trạng đó không

- Thực tế có nhiều vụ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng đều cho thấy đã được chính quyền địa phương nhắc nhở nhưng vẫn hoạt động, vậy vai trò của chính quyền địa phương như thế nào, liệu có hiện tượng bao che không, thưa ông?

Thực tế những vụ khác  tôi không biết, nhưng trong trường hợp này, tôi muốn khẳng định điều là đã để cháy xảy ra chết người ở địa bàn nào thì trách nhiệm quản lý  bao giờ cũng có.

Như đối với tôi là trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố, tôi có trách nhiệm, chứ không thể nói thành phố của anh có tai nạn giao thông, ngập, cháy mà anh nói không có trách nhiệm gì. Bao giờ cũng có yếu tố quản lý ở trong đó, kể cả vi phạm giao thông thì cũng có lỗi quản lý.

Đối với quận, chúng tôi cho kiểm tra và nhà hàng này được kiểm tra nhiều lần trong tháng 10 và không cho hoạt động vì không đủ điều kiện và không đủ giấy phép. Quận có quan tâm và kiểm tra, nếu có điều kiện thì mới cho hoạt động, ở đây là chưa đủ điều kiện chứ không phải họ cố tình lờ đi.

Đối với quận, khi xảy ra, lãnh đạo quận, phường có mặt kịp thời và nắm bắt tình hình rất đầy đủ. Tôi cho là họ có nỗ lực, nắm được tình hình này chứ không phải cố lờ đi, cố tình cho kinh doanh. Hiện nay công an vẫn đang làm rõ.

- Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc đau lòng do cháy, sắp tới Hà Nội sẽ hành động quyết liệt như thế nào, thưa ông?

Việc các đô thị lớn như Hà Nội, cỡ 10 triệu dân, mật độ dân cư cao, cộng thêm quá trình đô thị hóa nhanh, việc đe dọa về an toàn trong nhiều lĩnh vực không chỉ phòng cháy chữa cháy, là hết sức lớn. Thành phố luôn để ý tới các nguy cơ có thể dẫn tới thảm họa đô thị như sập đổ công trình, tai nạn giao thông, ngập lụt, cháy nổ…

Thành phố đã nhiều lần có chỉ đạo về việc này và HĐND Thành phố thực hiện nhiều công tác giám sát. Tới đây, cũng sẽ thực hiện, rà soát để bảo đảm các công trình đáp ứng được điều kiện.

-  Xin cảm ơn ông.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc