Công bố nguyên nhân cá chết ở hồ Tây trong thời gian sớm nhất

06:24, 05/10/2016
|

(VnMedia) - Ngày 4/10, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng như Bộ Công an, bộ TN&MT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam... điều tra, nghiên cứu, xác minh làm rõ hiện tượng cá chết 

cá chết
Bộ Công an và nhiều Bộ ngành vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở hồ Tây

Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện tượng cá chết bất thường với số lượng lớn ở hồ Tây (Hà Nội) là hiện tượng chưa từng có từ trước đến nay.

Theo ông Dũng, ngay khi có hiện tượng cá chết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trực tiếp xuống kiểm tra và chỉ đạo lực lượng chức năng của TP điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết ở hồ Tây.

Với vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, giao Hà Nội kiểm tra và xác định nhanh nguyên nhân.

Tiếp đó, sáng 4/10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng như Bộ Công an, bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam... điều tra, nghiên cứu, xác minh làm rõ hiện tượng cá chết và có kết luận nguyên nhân gây cá chết là gì để công bố nhân dân được biết.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đến thời điểm này, tình hình thực tế cho thấy hầu hết các loại cá như mè, trôi, chép... đều chết đồng loạt. Đây là sự cố rất đáng tiếc. "Như tôi đã nói cơ quan chức năng đang làm rõ nguồn xả thải thế nào, nguyên nhân do ô nhiễm hay vì sao chất lượng nước hồ lại đi xuống khiến cá không thể sống và truy xem cái gì tạo ra hiện tượng nước thiếu ôxy"- ông Dũng khẳng định.

Sáng cùng ngày, báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội đã huy động 1.000 người, triển khai 100 thuyền vớt cá được khoảng 200 tấn chết ở hồ Tây. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Công an TP đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc.

Theo các kết quả xét nghiệm bước đầu, tất cả diện rộng trên mặt nước hồ Tây có mức ôxy bằng 0. Tỉ lệ amoni tăng 20 mg/l, cao gấp 24 lần so với quy định. Hiện TP đang thực hiện giải pháp tăng cường ôxy, làm sạch nước.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho biết, đến chiều 3/10, mức ôxy hòa tan lên 2,8 mg/l. Song song với đó, TP đã chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời tuyên truyền người dân không sử dụng cá chết ở hồ Tây.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai xác định nguyên nhân cá chết ở hồ Tây và công bố công khai trong thời gian sớm nhất.

Còn theo quan sát của phóng viên VnMedia, sáng 4/10, lượng cá chết không còn dày đặc trên mặt hồ Tây. Một số khu vực chỉ còn loáng thoáng. Cá chết tập trung nhiều ở khu vực Phủ Tây Hồ. Khu vực dọc men theo hồ phía đường Trích Sài, nhiều vòi phun nước tạo ô xy đã đang liên tục hoạt động.

Một người tham gia vớt cá cho biết, trong ngày 4/10, vẫn có khoảng vài chục chiếc xuồng quân đội tham gia vớt cá. Dù không nhiều như hai ngày trước nhưng vẫn có khoảng gần một chục tấn cá đã được vớt trong sáng 4/10.

Người này cho biết thêm, trên hồ không còn hiện tượng cá “hấp hối” mà chỉ có những con cá đã chết, gặp nắng là nổi lên. Đặc biệt, theo quan sát, vẫn có rất nhiều cá còn sống chứ không phải đã chết hết sạch như nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, do ô nhiễm bởi hàng trăm tấn cá chết nên nước hồ rất hôi thối, dù không còn khuếch tán nồng nặc lên các khu vực xung quanh như những ngày trước.

Một số hình ảnh hồ Tây ngày 4/10:
 

cá chết
Một số khu vực trên Hồ Tây, chỉ còn loáng thoáng xác cá chết
cá chết
Các vòi phun nước liên tục hoạt động để tạo ô xy nhằm ngăn tình trạng cá tiếp tục chết
cá chết
Hàng chục chiếc ca nô liên tục quần thảo khắp mặt hồ để vớt cá chết
cá chết
Phần lớn những chiếc xuồng được huy động từ Bộ Tư lệnh Thủ đô

Xuân Hưng (bài, ảnh)


Ý kiến bạn đọc