(VnMedia) - Ngày 4/10, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí về những vấn đề nóng mà dư luận đang đặc biệt quan tâm như đền bù thiệt hại vụ Formosa; thay đổi hình thức thi THPT Quốc gia; nâng tuổi nghỉ hưu...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng |
- Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết, hiện công tác thống kê và phương án hỗ trợ thiệt hại sau vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển Miền Trung vừa qua hiện đã triển khai đến đâu? Việc sử dụng kinh phí bồi thường 500 triệu USD của Formosa Hà Tĩnh cụ thể như thế nào?
Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng: Đến nay, 4 tỉnh miền Trung đã hoàn thành việc thống kê thiệt hại của người dân, hộ gia đình bị ảnh hưởng. Công tác thống kê được các địa phương tiến hành theo nguyên tắc: Công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật và được công bố, công nhận trong cộng đồng.
Việc thống kê thiệt hại được tiến hành từ cấp thôn, với sự tham gia của chính quyền, đại diện đoàn thể, người dân và đại diện chức sắc tôn giáo cùng cấp. Sau đó kết quả thống kê sẽ được thẩm định tại cấp huyện, thẩm tra tại cấp tỉnh cùng với sự tham gia của các thành phần nêu trên và đến nay đã gửi Bộ NN&PTNT để tổng hợp.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng Đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; sau khi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh bị thiệt hại do sự cố môi trường biển (Quyết định 1880/QĐ-TTg), trong đó xác định 7 nhóm đối tượng được bồi thường: Khai thác hải sản; nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thuỷ sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thuỷ sản.
Đồng thời, cũng quy định về định mức cụ thể cho từng nhóm đối tượng và thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng (từ 4/2016 đến hết tháng 9/2016). Giao Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 10/10/2016.
Ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã họp và quyết định ứng trước 3.000 tỷ đồng (từ kinh phí bồi thường của Công ty Formosa) cho các tỉnh để tạm ứng cho các đối tượng được bồi thường thiệt hại trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cần thiết.
- Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động đang nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là nhiều người lao động bày tỏ băn khoăn, lo lắng về sức khoẻ của cán bộ, số lao động thất nghiệp, cơ hội của người trẻ và tình trạng "tham quyền cố vị" có thể xảy ra. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về đề xuất này?
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang nghiên cứu, lấy ý kiến về nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Đây là vấn đề được dư luận xã hội và người lao động rất quan tâm.
Việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện. Tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã được quy định và duy trì từ lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khoẻ và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi).
Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế-xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động đang làm việc và người bước vào độ tuổi lao động; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí...
Vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động liên quan đến lực lượng lao động xã hội, quyền lợi của người lao động và có tác động xã hội rộng lớn, nên phải nghiên cứu, phân tích kỹ với nhiều phương án, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
- Về việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng, Bộ GD&ĐT liên tục có các đổi mới từ việc tổ chức các cụm thi, số môn thi, ngày thi đến cách thức ra đề thi, phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng nhằm khắc phục hạn chế của kỳ thi các năm trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của học sinh, phụ huynh, chuyên gia giáo dục lại lo ngại về việc điều chỉnh quá gấp, khiến cho học sinh không kịp thích ứng, học tập lại nặng hơn lên rất nhiều, cho rằng việc thay đổi cần có lộ trình và đồng bộ. Xin cho biết Chính phủ có chỉ đạo như thế nào về vấn đề này?
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tổ chức thi THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Trong 2 năm 2015 và 2016, Bộ đã thực hiện đổi mới phương thức tổ chức kỳ thi. Từ 4 đợt thi mỗi năm trước đây, nay chỉ còn một đợt thi duy nhất vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Áp lực thi cử đã giảm đáng kể, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho thí sinh và xã hội.
Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai những năm gần đây, năm 2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện kỳ thi thông qua đổi mới phương thức thi. Hầu hết các môn thi (trừ môn Ngữ văn) được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Thời gian thi được rút ngắn từ 4 ngày xuống còn 2 ngày. Số bài thi tăng lên để tránh tình trạng học lệch. Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi trắc nghiệm riêng, kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy nên cơ bản loại trừ được tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi làm cho kết quả kỳ thi có độ tin cậy cao hơn. Đây là sự tiếp nối quá trình đổi mới trong những năm vừa qua theo lộ trình.
Từ năm 2007, Bộ đã tổ chức 4 môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bộ cũng đã chỉ đạo các sở GD&ĐT hướng dẫn giáo viên kiểm tra, đánh giá quá trình học tập tất cả các môn học của học sinh bằng cả hai phương thức tự luận và trắc nghiệm. Giáo viên và học sinh đã quen thuộc với hình thức thi trắc nghiệm từ nhiều năm nay, do vậy không làm ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học và ôn tập của giáo viên và học sinh.
Trong quá trình xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã tham vấn ý kiến các chuyên gia, các trường đại học và các Sở GD&ĐT trong cả nước. Để tổ chức tốt kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm công bố đề thi minh họa để thí sinh và giáo viên tham khảo, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là ngân hàng đề thi; đồng thời tích cực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy; tăng cường kiểm định và nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.
Xuân Hưng (ghi)
Ý kiến bạn đọc