(VnMedia) - Tại Hội nghị nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường sáng nay (24/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn đánh giá, C49 (Cảnh sát môi trường) của Bộ Công an chưa tập trung phòng chống tội phạm môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Trong phần phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường sáng nay (24/8), Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu một đề nghị đáng chú ý, đó là cần có các giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn đánh giá, C49 (Cục Cảnh sát môi trường) của Bộ Công an chưa tập trung phòng chống tội phạm môi trường.
“Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ TN&MT, các cơ quan chức năng nghiên cứu nghiêm túc, đề xuất các giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường. Ngày trước chúng ta nói rằng vấn đề môi trường quan trọng quá, phải thành lập lực lượng Cảnh sát môi trường. Không ngờ thành lập ra, bây giờ lại có vi phạm nghiêm trọng” – Thủ tướng nêu vấn đề và đặt câu hỏi: “Công an các tỉnh, các phòng này đi đâu, làm gì để chủ động trong việc trinh sát, điều tra khởi tố những vụ việc nghiêm trọng? Cùng với thanh tra TN&MT, bộ máy đồ sộ, nếu cộng dồn hết lại thì lớn lắm”.
Không chỉ với Cảnh sát môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp chưa trú trọng thanh tra môi trường.
Thủ tướng cũng lưu ý, nguồn lực đầu tư cho môi trường còn hạn hẹp, chưa xã hội hóa tốt, đã ít nhưng phân bố còn dàn trải, nhất là xã hội hóa nguồn lực chậm triển khai, thiếu cơ chế chính sách đột phá.
“Tôi lưu ý đặc biệt cấp ủy chính quyền địa phương chưa phát huy đúng vai trò trách nhiệm về bảo vệ môi trường, còn phổ biến tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ bảo vệ môi trường, chưa phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức đoàn thể, mặt trận tổ quốc, cộng đồng, vận động nhân dân trong bảo vệ môi trường. Việc phát hiện, xử lý còn chậm, chủ yếu qua báo chí và nhân dân" - Thủ tướng nói.
“Chúng ta phải phát hiện là chính chứ không phải là để báo chí và nhân dân. Formosa để mãi, báo chí đăng mới biết, có phải là kinh nghiệm xương máu không?, cả hệ thống ở đâu?", Thủ tướng tiếp tục đặt câu hỏi “khó”.
“Chúng ta nói là bắn chỉ thiên không ai chịu trách nhiệm, lần này các đồng chí phải phát hiện, chỉ rõ ai chịu trách nhiệm, dự án ai cấp giấy phép mà để môi trường xấu như vậy?... chứ không thì nói mãi nhưng không ai chịu trách nhiệm...” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, cơ quan phê duyệt phải chịu trách nhiệm về môi trường của dự án đầu tư; cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm về loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất. Chính ủy chính quyền phải quan tâm và chịu trách nhiệm về môi trường trên địa bàn.
Thủ tướng cũng đánh giá, trong lĩnh vực môi trường, cán bộ yếu và thiếu chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng yếu, nhất là các địa phương; Cán bộ Sở TN&MT nhưng chỉ làm chính về đất đai, khoáng sản, còn môi trường ít được chú trọng, thiếu cán bộ có kinh nghiệm trong khi đây là một ngành khoa học.
“Một bộ phận cán bộ làm công tác môi trường vô trách nhiệm, còn có cán bộ tiêu cực, các đồng chí có muốn tôi nêu tên ra không?” – Thủ tướng Chính phủ bất ngờ đặt câu hỏi.
Thủ tướng nhấn mạnh Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường ở địa phương mình như rác thải, nước thải để đảm bảo môi trường sống cần thiết cho nhân dân một cách chủ động, “chứ không phải nóng đâu phủi đó, phát hiện rồi, báo chí đưa tin rồi, nhân dân oán than rồi mới bắt đầu làm”.
Bắn chỉ thiên mãi, phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Trên 2.200 người tham dự hội nghị, nếu tinh thần hội nghị được xử lý lan tỏa, cả hệ thống vào cuộc, dứt khoát quan điểm, chủ trương, giải pháp về xử lý môi trường sẽ có chuyển biến tốt”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở: “Sau cuộc họp này phải làm gì mới quan trọng chứ không phải về rồi lại nói tôi bận!”
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến của các bộ, các địa phương, các cơ quan trung ương đối với vấn đề về thực trạng chất lượng môi trường hiện để báo cáo trước Quốc hội và chuẩn bị trả lời chất vấn trước Quốc hội. “Đây là vấn đề cả xã hội quan tâm, nhân dân quan tâm, là vấn đề sống còn của nhân dân, của đất nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến về quan điểm, giải pháp mà các đại biểu đã nêu để đưa vào chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để triển khai. “Tôi khoán cho các đồng chí đến thứ Ba tuần sau”, Thủ tướng cương quyết nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy quán triệt Nghị quyết 24 của Trung ương để có Nghị quyết chuyên đề của địa phương về vấn đề môi trường.
“Ngay sau đó, các địa phương phải xây dựng đề án, rà soát để giải quyết vấn đề môi trường một cách chủ động. Anh sống ở địa phương anh chứ không phải sống ở trên không gian, chúng ta lo cho dân, quan tâm đến những vấn đề mà dân yêu cầu là rất quan trọng” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, đặc biệt là bộ TN&MT, sở TN&MT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phân công kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, không để chồng chéo..., “Bộ TN&MT kiểm tra ở đâu, Thanh tra Chính phủ kiểm tra ở đâu, C49 kiểm tra ở đâu..., phải rõ ràng” – Thủ tướng nêu rõ.
“Bảo vệ môi trường không phải chỉ là trách nhiệm với thế hệ tương lai mà trên thực tế đã là mối đe dọa hiện hữu cho chính chúng ta hiện nay. Đã đến lúc Việt Nam cần những kế hoạch hành động ngắn hạn, dài hạn, và đặc biệt là kế hoạch hành động ngay lập tức về môi trường chứ không phải chỉ có những định hướng chiến lược” - Thủ tướng nêu rõ quan điểm.
Về nhiệm vụ chủ yếu, trước hết, Thủ tướng yêu cầu không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư, kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường; không cho phép đầu tư dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường, nhất là ở những vùng nhạy cảm.
“Tôi đi đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh phản ánh, nếu như nhà máy giấy không kiểm soát được, thải ra thì sông Tiền, sông Hậu cũng không đơn giản. Nhân dân rất quan tâm, nhất là sau sự cố Formosa” - Thủ tướng nói.
“Trước hết, phải đưa ra các biện pháp mạnh, cương quyết, toàn diện để bảo vệ môi trường tốt hơn chứ không phải đầu tư bất cứ giá nào” - Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ TN&MT chuẩn bị đánh giá xếp hạng công tác bảo vệ môi trường từ năm 2017, coi đây là công việc quan trọng bên cạnh các tiêu chí năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính; Bộ Tư pháp và Bộ TN&MT khẩn trường xây dựng cơ chế ứng phó khẩn cấp môi trường.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc