Bộ trưởng Trần Hồng Hà "tiết lộ" thông tin rùng mình về môi trường

10:12, 24/08/2016
|

(VnMedia) - Hàng năm, có 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó, khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định", đó là một trong những thông tin "rùng mình" mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo Chính phủ.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường sáng nay (24/8), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, trên toàn quốc hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. 

Cùng với đó là hơn 500.000 cơ sở sản xuất  trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; Có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí.

Hàng năm, có 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó, khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt 25-60%; công tác thu gom, lưu giữ và xử lý bao bì chưa được quan tâm, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng gây phát sinh mùi, khí thải.

Cùng với đó là hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan...

“Đó là những nguồn tác động rất to lớn đến môi trường ở nước ta”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trước thực tế đó, mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được bổ sung và hoàn thiện và nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại nhưng môi trường nước ta vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn và vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý.

Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Chủ yếu do nguyên nhân chủ quan

Theo Bộ trưởng, thực trạng môi trường nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan. Trước hết, đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ chế thu hút FDI được ưu tiên cao và chưa tính toán đầy đủ các chi phí cơ hội về môi trường.

“Khu vực FDI hiện đóng vai trò đầu tàu xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 71% xuất khẩu và 59% nhập khẩu của Việt Nam. Không thể phủ nhận vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, song chúng ta cũng cần tỉnh táo để đánh giá xem rằng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có phải vì môi trường đầu tư hấp dẫn, vì những lợi thế so sánh của đất nước do chúng ta tạo ra hay vì những lý khác. Tại sao FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực giá rẻ, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…? Có phải do các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập? Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát? Phải chăng lợi ích mà FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang diễn ra?” - Bộ trưởng nêu lên hàng loạt câu hỏi.

Ông Trần Hồng Hà khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay, theo đó phải tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế”.

Nguyên nhân chủ quan thứ hai được ông Hà nêu lên, đó là chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao... “Đang xuất hiện ngày càng nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn được cấp phép song thiếu tính toán về quy hoạch, chưa được đánh giá đầy đủ các tác động tới môi trường...” – ông Hà nhận định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng, việc đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; Chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực bảo vệ môi trường và giám sát chặt chẽ công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp...

Về các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra hàng loạt đề xuất, trong đó nhấn mạnh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngành phải nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nói chung, đặc biệt chú trọng các ngành nhuộm, thuộc da, sản xuất giấy, luyện thép từ quặng..., tiếp cận với quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến;  tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, đánh giá về chất lượng môi trường làm cơ sở phục vụ công tác thẩm định, xét duyệt các dự án đầu tư, đồng thời, để các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và người dân thực hiện kiểm soát, giám sát về môi trường;  Tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải ra sông, ra biển..

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường..., Có các giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường; Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương;  Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái do trước đây để lại; Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài; thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”; sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng;

Bộ TN&MT đề nghị các địa phương bảo đảm bố trí không dưới 1% ngân sách của địa phương chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường;  Rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật - công nghệ phù hợp, kết hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng này; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của địa phương; tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc