(VnMedia) – Hiện nay, nhiều quyết định, thông tư của các Bộ được ban hành nhằm triển khai nghị định của Chính phủ nhưng lại “đẻ” thêm điều kiện, phát sinh thêm thủ tục, gây khó dễ doanh nghiệp.
Có thể nói, bất cập về chính sách là một trong những khó khăn lớn các doanh nghiệp vấp phải trong quá trình kinh doanh, đầu tư. Không ít doanh nghiệp phản ánh, họ bị làm khó khi chính sách đầu tư chưa được thống nhất, thường xuyên bị thay đổi.
Thậm chí, nhiều quyết định, thông tư của các Bộ được ban hành nhằm triển khai nghị định của Chính phủ nhưng lại “đẻ” thêm điều kiện, phát sinh thêm thủ tục, gây khó dễ doanh nghiệp.
Đơn cử, như Quyết định 4255/QĐ-BGTVT ban hành ngày 01/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ban quan lý dự án đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Cụ thể, Điều 44 tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định rõ: “Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ban hành quy chế lựa chọn các nhà thầu tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp và nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế để áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện dự án”.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Điều 4 Quyết định 4255/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải lại quy định quy chế lựa chọn nhà thầu của dự án đối tác công tư phải được ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận.
Ông Lê Quỳnh Mai - Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả cho rằng, đây là một quy định gây rất khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Quy định này làm chậm trễ trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dẫn đến nhà đầu tư không có tính chủ động trong quá trình lựa chọn theo hướng dẫn từ Nghị định của Chính phủ.
Trước những bất cập trên, ông Mai kiến nghị Bộ Giao thông vận tải khi triển khai Nghị định 15/2015/NĐ-CP cần tuân thủ đúng các nội dung đã quy định trong nghị định, không ban hành thêm thủ tục như trên, gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng môi trường đầu tư và tiến độ dự án.
Điều 4 tại Quyết định 4255/QĐ-BGTVT gây phiền hà doanh nghiệp |
Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: Việc phải “xin phép” ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải như quy định như trên rất phiền hà, làm tăng chi phí, thời gian cho các nhà đầu tư. Đi ngược lại với tinh thần Nghị định của Chính phủ.
Ông Chủng nhấn mạnh, quy định trên của Bộ Giao thông vận tải là không cần thiết. Bởi mọi nhà đầu tư đều ý thức được rằng, tiền chủ sở hữu, tiền đi vay để làm công trình thì công trình sớm đưa vào khai thác, chất lượng đảm bảo phụ thuộc rất nhiều vào kết quả lựa chọn nhà thầu.
Vì vậy, rõ ràng nhà đầu tư nào cũng mong muốn chọn được nhà thầu có năng lực phù hợp, giá dự thầu hợp lý hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là làm cho nhà đầu tư công trình có chất lượng tốt nhất và thời gian về đích nhanh nhất
Trong khi đó, ban quản lý dự án là cơ quan đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng và vì lẽ đó các ban này phải cùng nhà đầu tư chiu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký.
Điều 44 tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ |
“Tuy nhiên, với Quyết định 4255 của Bộ Giao thông vận tải, các ban này coi mình như một cấp quản lý để nhà đầu tư phải ‘xin phép’ rõ ràng là không hợp lý.
Để kiểm tra việc thực hiện của nhà đầu tư, là một bên ký hợp đồng, các ban này phải có trách nhiệm giám sát, bổ sung hợp đồng (nếu có) và cùng tháo gỡ mọi vướng mắc hay xung đột trong quá trình thực hiện dự án đảm bảo dự án được tuân thủ pháp luật sớm đáp ứng mong muốn của hai bên ký kết hợp đồng”, ông Chủng nói.
Ông Chủng cho rằng, các ban quản lý dự án này phải tham gia quản lý với tư cách là một bên ký hợp đồng dự án, nghĩa là phải tuân thủ các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng. Chứ không phải là cơ quan để buộc các nhà đầu tư quay lại “xin phép”.
Liên quan đến bật cập trên, Cục trưởng Cục Đấu thầu Nguyễn Đăng Trương khẳng định: Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Điều 3 khoản 2) quy định trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Nếu dự án của doanh nghiệp là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì việc lựa chọn nhà thầu sẽ thực hiện theo quy định trên. Thheo đó, việc ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu của dự án sẽ thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Trương cho biết.
Việc phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh đầu tư, “đẻ” ra giấy phép con tương tự như Quyết định 4255/QĐ-BGTVT được đề cập ở trên không chỉ là câu chuyện của riêng ở một lĩnh vực giao thông. Chúng xuất hiện nhiều lĩnh vực, cản trở quyền tự do kinh doanh, hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp.
Từ đầu tháng 7/2016, các nghị định liên quan Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp đưa vào áp dụng sẽ chính thức xóa sổ hàng loạt giấy phép con, các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư, quy định của các bộ, ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ sự lo lắng “cuộc chiến” với giấy phép con vẫn sẽ tiếp diễn, dai dẳng.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) kỳ vọng với tinh thần đổi mới hoạt động của Chính Phủ, thời gian tới nhiều văn bản quy phạm pháp luật sẽ được đổi mới theo.
“Do nhiều yếu tố, các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta vẫn ám ảnh của cơ chế “xin- cho” nên các văn bản này đều buộc nhà đầu tư phải “xin phép”. Vì vậy, tình trạng “hoạnh họe” của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đang là một trong những bức xúc lớn.
Vì vậy, để có một Chính phủ trong sạch và kiến tạo, tôi cho rằng cần từng bước tháo gỡ các rào cản về pháp luật đặc biệt tránh tình trạng tạo thêm nhiều “giấy phép con” dưới Thông tư hướng dẫn, tạo cơ hội để doanh nghiệp có thể phát triển”, PGS.TS Trần Chủng nói.
TH
Ý kiến bạn đọc