Đến chiều 5/6, ba nạn nhân mất tích cuối cùng trong vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) đã được tìm thấy sau gần một ngày tìm kiếm.
Khoảng 17h ngày 5/6, thi thể của ba nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm tàu du lịch ở Đà Nẵng là Phạm Tấn Cương (46 tuổi, quê Bình Định); Trịnh Thị Phượng (7 tuổi, quê Bắc Kạn); Trịnh Huy Hoàng ( 4 tuổi, em trai của nạn nhận Phượng) đã được tìm thấy.
Lực lượng chức năng đang đưa thi thể các nạn nhân mất tích về Bệnh viện Đà Nẵng. |
Như vậy, sau hơn một ngày tìm kiếm, công tác cứu hộ đã hoàn thành, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng chỉ đạo khắc phục hậu quả sau tai nạn.
Con tàu bị chìm có quá nhiều sai phạm như chở gấp đôi số người quy định; là tàu cá được cải tiến để thành tàu du lịch, đã từng bị xử lý về lừa đảo khách hàng và từng bị chìm cách đây 2 năm...
Người chịu nỗi đau đớn, mất mát lớn nhất trong vụ chìm này là cha mẹ của hai nạn nhân Trịnh Thị Phượng (7 tuổi) và Trịnh Huy Hoàng (4 tuổi).
Suốt ngày một ngày nước mắt đã không ngừng rơi trên khuôn mặt của vợ chồng anh Trịnh Tiến Dũng (SN 1987) và chị Đặng Thị Xuân (SN 1991). Nhiều người có mặt không thể cầm nước mắt khi chứng kiến vẻ mặt thất thần, đau khổ của anh chị suốt gần một ngày chờ mong tin hai con trong vô vọng.
Nhiều người theo dõi sự việc không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến vẻ mặt thất thần, sự đau đớn tuyệt vọng của cặp vợ chồng trẻ chờ tin hai con mất tích |
Chia sẻ với PV, anh Đặng Duy Hưng (một trong số nạn nhân trên chiếc tàu bị đắm và là anh của chị Đặng Thị Xuân, bác của hai em nhỏ xấu số) vẫn chưa thể quên được giây phút tai họa ập đến với gia đình
Anh Hưng cho biết, đại gia đình anh gồm có 21 người đến Đà Nẵng tham quan du lịch từ trưa 3/6. Ngày 4/6, sau khi ăn cơm tối, cả gia đình anh đến khu vực sông Hàn đối diện khách sạn Novotel để mua vé lên tàu du lịch tham quan sông Hàn với giá 100.000đ/người. Sau khi toàn bộ 21 người trong gia đình anh Hưng đã lên tàu thì phục vụ tàu tiếp tục chèo kéo thêm rất nhiều người cùng lên.
“Đoàn gồm 21 người nhà chúng tôi lên tàu trước, sau đó phục vụ tàu lôi thêm rất nhiều người nữa lên cùng chuyến tàu của chúng tôi. Tôi có bảo mọi người mặc áo phao vào nhưng phục vụ tàu nói không sao đâu nên mọi người không ai mặc”, anh Hưng chia sẻ.
Khi lên tàu, mọi người trong gia đình anh Hưng được hướng dẫn lên tầng 2 của tàu để ngồi. Khoảng 20h thì tàu xuất phát đi tham quan sông Hàn, đi được khoảng 150 mét thì tàu quay đầu tiến về phía cầu Rồng, được khoảng 200 mét thì tàu bị nghiêng về phía tay trái và lật úp bất ngờ.
“Toàn bộ hành khách trên tàu khi ấy khoảng trên dưới 50 người, chúng tôi tự lôi vớt lấy nhau được khoảng 15 người thì tàu lại lật ngược lại, toàn bộ chao đảo và rơi xuống nước. Tiếng kêu la của những người trên chiếc tàu chìm văng khắp sông Hàn”, anh Hưng nói.
Sau tai nạn, 19 trong số 21 người trong gia đình may mắn thoát chết, còn hai em nhỏ Phượng và Hoàng đã ra đi mãi mãi.
Có nằm mơ những người trong gia đình cũng không thể tưởng tượng nổi chuyến đi là phần thưởng cho em Trịnh Thị Phượng đoạt danh hiệu học sinh giỏi lại là thành chuyến đi mãi mãi không bao giờ trở lại của em.
Con tàu chìm có hàng loạt những sai phạm như: Hoạt động không phép, chở quá gấp đôi số người quy định; là tàu cá được cải tiến để thành tàu du lịch, đã từng bị xử lý về lửa đảo khách hàng và từng bị chìm cách đây 2 năm khiến không ít người phải giật mình.
Theo đó, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xác nhận chiếc tàu chìm vẫn còn hạn đăng kiểm nhưng chưa làm hồ sơ cấp phép hoạt động tại Sở GTVT thành phố Đà Nẵng và chưa được phép chở khách du lịch.
Tuy nhiên, chủ tàu vẫn bán vé cho hành khách và chở quá số người so với quy định (tàu có tải trọng để chở 20 người nhưng lại chở lên đến 56 người).
Còn ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc Gia cho biết tàu du lịch Thảo Vân 2 gặp nạn được cải tạo từ tàu cá cũ.
"Tàu cá cải hóa theo quy định chỉ chở được 28 người tính luôn cả thuyền viên. Tuy nhiên, số lượng người đi trên tàu này tính đến thời điểm hiện tại đã là 56 người như vậy là không thể chấp nhận được", ông Khuất Việt Hùng nói.
Được biết, chiếc tàu bị chìm là chiếc tàu du lịch nhỏ nhất trong các tàu du lịch trên sông Hàn. Đơn vị chủ quản tàu là công ty TNHH Thảo Vân đã từng bị phạt vì có hành vi lừa hành khách vào thời điểm diễn ra lễ hội bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng năm 2015.
Cùng với đó, ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng tiết lộ một thông tin chấn động rằng chiếc tàu bị chìm trên sông Hàn ngày 4/6 cũng đã từng bị chìm một lần cách đây hai năm. Rất may khi ấy trên tàu không có khách.
Tai nạn đặc biệt nghiêm trọng
Chiều 5/6 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào Đà Nẵng để chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn cũng như khắc phục hậu quả và thăm hỏi các nạn nhân trong vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn.
Tại buổi làm việc với Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông rất buồn khi nghe hung tin từ chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp vào chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như thăm hỏi các nạn nhân trong vụ chìm tài du lịch trên sông Hàn đêm 4/6.
Thủ tướng cho rằng, đây là một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng tại Đà Nẵng nhanh chóng điều tra khởi tố vụ án, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ chìm tàu.
Thủ tướng chỉ đạo: "Chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ quan trọng là động viên, hỗ trợ tối đa về vật chất và tinh thần người gặp nạn, trong trường hợp các nạn nhân đã chết, cần hỗ trợ đưa thi thể họ về an táng kịp thời".
Được biết, sau khi xảy ra tai nạn Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ 10 triệu cho gia đình người thiệt mạng. Những nạn nhân còn lại trong vụ chìm tàu được hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng và toàn bộ chi phí tàu xe, máy bay để về quê.
Những người đang điều trị tại bệnh viện, công tác chữa trị đều được miễn phí. Bên cạnh đó TP chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung thu thập các chứng cứ để tiến hành điều tra, khởi tố, bởi đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các ngành tạm ngưng hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát lại toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn; kiểm tra chặt chẽ quy trình xuất bến trước khi cho phép hoạt động trở lại.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ thông tin; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc.
(theo VTC)
Ý kiến bạn đọc