(VnMedia) - Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, qua công tác tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện và xử lý 7 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên qua thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển Cơ quan điều tra 38 vụ.
Sáng 15/3, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Báo cáo của lãnh đạo Thành phố nhận định, mặc dù Thành phố đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nhưng tình hình tham nhũng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử đụng đất đai, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng; tài chính, thuế…
Lãnh đạo Thành phố cũng thừa nhận, tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng. Trong khi đó, vẫn còn dư luận về tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, các vụ việc, vụ án có liên quan đến tham nhũng được Thành phố quan tâm chỉ đạo xử lý nghiêm túc, kịp thời. So với thời điểm tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến quan trọng. Tham nhũng tại một số lĩnh vực đã từng bước được kiềm chế…
Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, như: trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều đơn vị còn mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung để khắc phục sơ hở của cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao.
Theo báo cáo thì trong 10 năm, qua công tác tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện và xử lý 7 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, qua thanh tra, từ năm 2006 đến nay, Thành phố đã phát hiện sai phạm 2542 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1415 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1127 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý 2415 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển Cơ quan điều tra 38 vụ.
Còn qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ năm 2006 đến nay, đã giải quyết 23.860 vụ khiếu nại, tố cáo; qua giải quyết đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 359 tỷ đồng, 161.568m2 đất, thu hồi 40 giấy chứng nhận quyền sử đụng dất, xử lý trách nhiệm 75 cá nhân, kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra 33 vụ.
Cũng trong thời gian 10 năm qua, với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, công an Thành phố đã thụ lý điều tra 214 vụ với 563 bị can, khởi tố 210 vụ với 540 bị can; kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 192 vụ với 520 bị can; hiện đang điều tra 12 vụ với 28 bị can.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung trao bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng |
Cán bộ không đáp ứng được phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tham nhũng hiện không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề của toàn cầu. Đảng, Nhà nước ta luôn coi phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng vừa qua cũng xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, tham nhũng hiện vẫn còn hệ trọng và diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng tham nhũng ở Thủ đô còn khá nghiêm trọng, trong đó nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân vẫn đang diễn ra. Vì vậy, với vị trí là Thủ đô, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực này, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị.
Về những giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội trước hết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát lại và hoàn thiện hệ thống thể chế để làm sao không có hoặc ít tạo kẽ hở hở cho tham nhũng, từ đó, sẽ giảm được tham nhũng. Về công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng phải kiên trì triển khai đến từng cán bộ, công chức viên chức, các tầng lớp nhân dân, “mưa dầm thấm lâu” rồi sẽ tạo được một bước chuyển biến.
Giải pháp quan trọng nữa được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh chính quyền điện tử, công dân điện tử. Đặc biệt, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật luật hành chính.
Phó Thủ tướng cho rằng, muốn chống tham nhũng thì bản thân bộ máy hành chính phải siết chặt kỷ cương, không để tình trạng trên bảo dưới không nghe, không thể để tình trạng cán bộ thích làm gì thì làm còn không thích thì thôi. Cán bộ nào không đáp ứng được công việc, quan liêu cửa quyền thì phải thay thế ngay, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy hành chính nhà nước.
Ý kiến bạn đọc