(VnMedia) - WHO - Tổ chức Y tế Thế giới vừa cho biết, hiện có tới gần 1/4 số ca tử vong trên toàn thế giới có liên quan đến vấn đề môi trường sống.
Đây là kết quả của một cuộc nghiên cứu mới của WHO. Môi trường sống đã gây ra khoảng 12,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới - tương ứng với gần 1/4 số ca tử vong mỗi năm, là do môi trường không lành mạnh gây ra.
Cơ quan chuyên trách về sức khỏe con người của Liên Hiệp Quốc này còn nói, hầu hết những trường hợp tử vong có thể ngăn ngừa được, nếu chúng ta thực hiện những biện pháp để cải thiện điều kiện môi trường, đài VOA cho hay.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra, những yếu tố môi trường nguy hại như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và đất, tiếp xúc với các hóa chất, biến đổi khí hậu và tia bức xạ cực tím là hậu quả của hơn 100 chứng bệnh và thương tật.
Cũng theo bản phúc trình của WHO, các căn bệnh như tai biến mạnh máu não, đau tim, ung thư và những bệnh về đường hô hấp kinh niên chiếm gần 2/3 con số tử vong do môi trường không lành mạnh gây nên.
WHO cũng cho biết, khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là những nơi có con số tử vong liên quan đến môi trường cao nhất.
Theo bà Maria Neira - Người đứng đầu bộ phận Y tế Công cộng và Môi trường của WHO, trong số các trường hợp tử vong, có 8,2 triệu cái chết có mối liên hệ đến ô nhiễm không khí, trong đó có việc tiếp xúc với khói thuốc lá.
“Những chứng bệnh không truyền nhiễm là một trong những dịch bệnh quan trọng nhất và là những vấn đề y tế công cộng mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay. Do đó, nếu chúng ta có thể loại trừ được những yếu tố rủi ro về môi trường này, chúng ta có thể đảm bảo cho một sự sụt giảm mạnh của những ca bệnh và lan truyền của các chứng bệnh kinh niên này” - Bà nói.
Cách đây một thập niên, nguyên nhân gây tử vong lớn nhất là các chứng bệnh truyền nhiễm, như dịch tả và sốt rét, có liên hệ đến sự quản lý yếu kém về nguồn nước, vệ sinh và chất thải.
Danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới năm 2015. (nguồn - WHO) |
Trong 10 năm qua, tử vong do các chứng bệnh truyền nhiễm đã sụt giảm vì số người tiếp cận được với nước sạch và vệ sinh đã gia tăng, nhưng nay, những chứng bệnh không truyền nhiễm, có liên hệ đến môi trường lại chiếm phần lớn và trở thành “vấn nạn” mới đối với các trường hợp tử vong.
Năm ngoái, WHO đã có một báo cáo tổng kết và xếp loại những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong đó thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đứng đầu danh sách Top 20 thành phố ô nhiễm nhất.
Báo cáo trên cũng đồng thời xếp hạng 1.600 thành phố ở 91 quốc gia về chỉ tiêu chất lượng không khí có nồng độ bụi an toàn từ 10 PM tới 2.5 PM. Tức là nếu như nồng độ các hạt bụi và chất độc hại trong không khí có đường kính nhỏ hơn 2,5 -10 micron tăng lên cao sẽ dẫn tới khả năng gây bệnh phổi cho con người ngày càng lớn.
Mới đây, TP. Hà Nội và TP.HCM đã được cảnh báo, và nhiều báo đã đưa tin về sự ô nhiễm đang rơi vào mức đáng báo động.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, các nước cần tăng cường việc cải thiện môi trường và phòng bệnh bằng cách sử dụng những công nghệ và chất đốt sạch cho việc nấu nướng, sưởi ấm và thắp sáng; gia tăng việc tiếp cận với nước sạch và vệ sinh, cải thiện các phương tiện di chuyển trong thành phố và xây dựng nhà cửa tiết kiệm năng lượng.
Thanh Trà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc