7 bài học kinh nghiệm rút ra từ thành tựu và tồn tại 5 năm qua

13:47, 21/03/2016
|

(VnMedia) - Từ những thành tựu đạt được và những tồn tại thách thức trong 5 năm qua, báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã nêu lên 7 bài học kinh nghiệm.

kinh tế xã hội
 
 
Như VnMedia đã đưa tin về kết quả thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Theo đó, có 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Từ những thành tựu đạt được và những tồn tại thách thức trong 5 năm qua, báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã nêu lên 7 bài học kinh nghiệm cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Cụ thể:

Một là, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, phải thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển. Tăng trưởng phải đi liền với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phải kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Đặc biệt coi trọng các yếu tố phát triển theo chiều sâu. Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội. Phải coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường để phát triển bền vững.

Ba là, phải thường xuyên chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt càng phải quan tâm chăm lo trong điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Bốn là, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, phát huy tối đa khả năng của mọi người dân, của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, coi đó là một động lực của phát triển, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, phát triển kinh tế đất nước.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, bám sát thực tiễn của đất nước, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đề ra chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách phù hợp và tập trung sức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài. Tăng cường công tác dự báo phục vụ chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch.

Sáu là, tăng cường khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế, tạo tiền đề để hội nhập quốc tế sâu rộng. Bảo đảm cân đối vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển mạnh một số ngành, lĩnh vực và sản phẩm kinh tế chủ yếu có hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tận dụng ngoại lực để phát huy nội lực, đẩy nhanh tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của nền kinh tế nước ta trong khu vực và trên thế giới.

Bảy là, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền thông tin kịp thời chính xác, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Các cấp, các ngành có trách nhiệm và chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan phát thanh, truyền hình, thông tấn, báo chí một cách kịp thời và chính xác. Làm tốt công tác này còn góp phần tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động của bộ máy Nhà nước; tạo điều kiện cho mọi người dân có điều kiện để tham gia trong việc xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch và các chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội.


Ý kiến bạn đọc