Hôm nay, Quốc hội khai mạc Kỳ họp đặc biệt

08:50, 21/03/2016
|

(VnMedia) - Sáng nay (21/3), Quốc hội khóa 13 khai mạc Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp đặc biệt với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề nhân sự cấp cao.

Quốc hội 2
 

Theo chương trình, sáng nay, sau khi các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và thông qua chương trình kỳ họp. Vào lúc 9 giờ sáng, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp.

Tại phiên họp sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Sau đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

Cuối buổi sáng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Sau đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo chí (sửa đổi).

Phần thời gian còn lại của buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi). 

Theo Chương trình, dự kiến, vấn đề nhân sự sẽ được Quốc hội bắt đầu tiến hành từ ngày 30/3.

Trước đó, tại buổi họp báo trước Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc kiện toàn nhân sự cấp cao ngay tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII là vì tới tận tháng 7/2016 mới tiến hành phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ QH thứ XIV và đây là khoảng thời gian khá dài.

Trong khi đó, theo ông Phúc, năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, vì vậy phải kiện toàn các chức danh mới này để đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, công tác nhân sự thuộc Đảng lãnh đạo, Đảng giới thiệu ra Quốc hội để đại biểu Quốc hội thay mặt cho nhân dân bỏ phiếu quyết định chức.

Về việc từ nhiệm của các vị lãnh đạo, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, theo Điều 10 luật Tổ chức Quốc hội quy định việc các chức danh cần có đơn gửi Quốc hội khi xin từ chức, tuy nhiên, Điều 11 thì quy định nếu cơ quan bầu những chức danh đó đề nghị việc miễn nhiệm thì cá nhân người lãnh đạo đơn vị đó không cần có đơn từ nhiệm.

"Việc miễn nhiệm sẽ được bỏ phiếu kín, có kiểm phiếu, công bố kết quả..." - ông Phúc cho biết lý do phải dành tới 10,5 ngày để làm công tác nhân sự.

Với nhân sự dành cho 3 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện Trung ương chưa có danh sách chính thức trình Quốc hội về vấn đề này.


Ý kiến bạn đọc