Kỳ họp 11, Quốc hội dành ít nhất 3 ngày bàn về nhân sự

16:50, 25/02/2016
|

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại kỳ họp 11, Quốc hội sẽ dành ít nhất 3 ngày bàn về công tác nhân sự.

Sáng 25/2, phát biểu bế mạc phiên họp 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ dành 3 ngày ở kỳ họp 11 cho vấn đề nhân sự (từ ngày 6 đến 8/4). 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: VOV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: VOV.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy trình nhân sự rất phức tạp và nếu thời gian 3 ngày có thể không đủ thì phải tính tới phương án kéo dài đến ngày 10/4.

“Tôi không tin trong 3 ngày các đồng chí làm xong vì quy trình rất phức tạp”, ông Nguyễn Sinh Hùng nói.

Về vấn đề có nên thực hiện tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 11 hay không, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sẽ thống nhất trước mỗi kỳ họp cần tiến hành tiếp xúc cử tri, nên phải bố trí đoàn và đại biểu Quốc hội thực hiện.

Buổi tiếp xúc cử tri tới đây tập trung vào các nội dung: Báo cáo chương trình kỳ họp; báo cáo công tác tổng kết nhiệm kỳ. Đồng thời có thể báo cáo về hoạt động của đoàn, cũng có thể cả các đại biểu Quốc hội vì nhiệm kỳ vừa kết thúc.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri cố gắng diễn ra trong khoảng thời gian trước khi diễn ra kỳ họp, từ 15 – 18/3. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội thông báo cho các đoàn để thực hiện.

“Kỳ họp cuối cùng mà nội dung công việc rất nặng, mong các đồng chí tập trung làm hết trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước đó, trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/2, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII dự kiến diễn ra trong khoảng 16 ngày (không kể ngày nghỉ), trong đó phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/3 và bế mạc vào ngày 9/4.

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Biểu tình dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, Uỷ ban đã lên kế hoạch thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức, tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa có chương trình xem xét dự án luật này.

“Cần có kết luận để Chính phủ báo cáo rõ ràng và Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội. Nếu tháng này Chính phủ không có chương trình xem xét thì đề nghị lùi dự án luật vì không đủ thời gian thẩm tra trong khi luật này rất nhạy cảm. Nếu không kịp thì khuyết điểm sẽ báo cáo Quốc hội”, ông Nguyễn Kim Khoa nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Dự án Luật Biểu tình đã có ý kiến của Bộ Chính trị cũng như có trong chương trình kế hoạch xây dựng luật nên không có cớ gì không trình Quốc hội. 

Theo bà Tòng Thị Phóng, việc chuẩn bị chưa xong thì tiếp tục phối hợp giữa các bên để thực hiện đúng nội dung chương trình như kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại đầu phiên họp 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.


Ý kiến bạn đọc