Đó là lo ngại mà đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế bày tỏ trong kiến nghị gửi Quốc hội và Thủ tướng sau khi có chuyến thị sát và làm việc với các bên liên quan.
Báo cáo với đoàn công tác, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết phải mất khoảng 3 năm để địa phương thực hiện thu hồi đất, tái định cư và giải phóng mặt bằng. Theo quy định của pháp luật, các công việc chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng có quyết định phê duyệt quyết định đầu tư.
Đồng Nai có thể mất 3 năm để thu hồi đất, tái định cư và giải phóng mặt bằng cho công trình này. |
Trong khi đó, với tiến độ như hiện nay, Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự tính đến 7/2017 mới trình lên Bộ Giao thông vận tải báo cáo khả thi dự án để Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp đầu tiên của năm 2018.
"Như vậy, sớm nhất vào năm 2018 Thủ tướng mới bố trí vốn để xây dựng hai khu tái định cư Lộc An, Bình Sơn và đến năm 2020 mới có thể tiến hành giải phóng mặt bằng. Khi ấy, việc thu hồi đất nhanh nhất cũng phải tới 2023 mới xong", lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự án phải khởi công vào năm 2018 để chậm nhất là kết thúc giai đoạn 1 (hoàn thành nhà ga, một đường cất hạ cánh để đón 25 triệu hành khách mỗi năm) chậm nhất là năm 2025. "Tuy nhiên, nếu thực hiện các bước theo quy định hiện hành thì phải tới năm 2023 mới khởi công, tức chậm 5 năm so với nghị quyết của Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Do vậy, cơ quan này đề nghị Thủ tướng trình Quốc hội cơ chế đặc thù về thu hồi đất, tái định cư, cụ thể là xin bố trí vốn để tái định cư, giải phóng mặt bằng trước khi phê duyệt báo cáo khả thi.
Muốn làm được điều này, Ủy ban Kinh tế cho rằng Quốc hội sẽ phải tạo cơ sở pháp lý bằng cách lồng những nội dung này vào Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 dự kiến được Quốc hội xem xét vào kỳ họp vào tháng 3 tới.
Trước đó, theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua chủ trương hồi tháng 6, Sân bay Long Thành được coi là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn một là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.
Ý kiến bạn đọc