(VnMedia) - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tạm giữ, tạm giam tức là đang điều tra và họ có thể vô tội, vì vậy, nên đưa về Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời đây cũng là một kênh giám sát chống bức cung, nhục hình...
Sáng nay (9/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, Dự thảo Luật đã quy định sự khác nhau giữa quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam với người chấp hành án phạt tù như người chấp hành án phạt tù phải lao động (bắt buộc); phải học tập, rèn luyện kỷ luật, pháp luật, giáo dục công dân, học văn hóa…; còn người bị tạm giữ, tạm giam không có các nghĩa vụ này; Người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền bầu cử, còn người chấp hành án phạt tù không có quyền này…
“BTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để bổ sung các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam như quyền bầu cử; quyền gặp luật sư, người bào chữa; quyền được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế nếu người bị tạm giữ, tạm giam đóng bảo hiểm y tế, tăng cường hơn một số chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết.
Liên quan đến các quy định về việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 22 dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về quy định cụ thể thời gian và số lần gặp không phụ thuộc vào ý kiến đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án. Đồng thời để tránh thông cung, việc gặp thân nhân phải được giám sát chặt chẽ của cơ quan thụ lý vụ án và cơ sở giam, giữ.
Tuy nhiên, có ý kiến ĐBQH đề nghị vẫn giữ quy định hiện hành về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.
UBTVQH phân tích, theo quy định của pháp luật hiện hành, thân nhân muốn được gặp người bị tạm giữ, tạm giam thì phải có giấy xác nhận cho phép gặp của cơ quan đang thụ lý vụ án.
Tuy nhiên, qua khảo sát, giám sát tại một số Trại tạm giam cho thấy, quy định như trên là không phù hợp với tình hình thực tiễn về cải cách thủ tục hành chính cũng như tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người và trong nhiều trại tạm giam, phòng thăm gặp đã được thiết kế vách cách ly; thân nhân, người bị tạm giữ, tạm giam chỉ có thể trao đổi qua điện thoại, được giám sát chặt chẽ nên khó xảy ra việc thông cung.
“Vì vậy, bỏ quy định việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự cho phép của cơ quan đang thụ lý vụ án và quy định cụ thể ngay trong luật số lần, thời gian gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam là phù hợp. Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ nội dung Điều 22 như dự thảo Luật” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện báo cáo.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa |
Người bị tạm giữ chưa phải là người có tội
Thảo luận, góp ý cho Dự thảo Luật ở hội trường sáng nay, Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang phân tích: Người bị tạm giữ, tạm giam chia làm 2 đối tượng, một là người chưa có tội (mới chỉ là nghi can trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử) và hai là người có tội.
“Người chưa có tội đương nhiên là một công dân bình thường có đầy đủ quyền con người và quyền công dân như Hiến pháp quy định, nhưng không ai có quyền xâm phạm hoặc hạn chế quyền đó. Do vậy, tôi đề nghị cần xem lại để quy định theo hướng cụ thể về quyền, nghĩa vụ của 2 nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội như vậy mới đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại” – đại biểu tỉnh Tiền Giang nói.
Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An), đề nghị nên quy định việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ. Trường hợp cần thiết thì cơ sở giam giữ thông báo cho cơ quan thụ lý vụ án cử cán bộ phối hợp việc giám sát, theo dõi. Còn một số trường hợp khác phức tạp, nghiêm trọng hoặc liên quan đến an ninh quốc gia v.v... thì nhất thiết phải có cán bộ của cơ quan thụ lý cùng giám sát, theo dõi.
Khoản 4, Điều 18 quy định một số trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam dưới đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng. Đó là: người đồng tính, người chuyển giới; Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần.
Góp ý tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tại sao chỉ “có thể” mà không phải là bắt buộc.
“Khi nào là có thể và khi nào là không thể. Khi có sự cố xảy ra trong quá trình giam chung thì ai là người chịu trách nhiệm?” – đại biểu Khá đặt câu hỏi.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, trong các hành vi cấm cần thêm hành vi cấm mớm cung bởi theo đại biểu, rất nhiều người trình độ yếu kém và rất dễ bị mớm cung trong quá trình điều tra.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng phân tích, tạm giữ, tạm giam tức là đang điều tra và người bị tạm giam, tạm giữ có thể vô tội, vì vậy, nên đưa về cho Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, hoặc được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời đây cũng là một kênh giám sát chống bức cung, mớm cung và nhục hình.
Theo đại biểu Nghĩa, tiêu chí chung là việc tạm giữ, tạm giam phải độc lập đối với điều tra viên, công tố viên.
Về quy định việc gặp có thể được giám sát bằng camera nhưng không bị ghi âm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, điều này pháp luật nhiều nước, kể cả Trung Quốc đã sửa lại.
“Các nguyên tắc cơ bản về vai trò luật sư của Liên hợp quốc quy định tất cả những người bị bắt giam hay cầm tù phải được tạo các cơ hội thời gian, phương tiện đầy đủ để luật sư đến thăm, trao đổi và tư vấn hoàn toàn riêng không chậm trễ, không bị theo dõi hay kiểm duyệt. Những cuộc tiếp xúc tư vấn như vậy có thể tiến hành trong tầm nhìn, nhưng không trong tầm nghe của các nhân viên thi hành luật pháp” - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói và đề nghị, thời gian gặp mỗi lần không quá 3 giờ và số lần thì theo yêu cầu của người tạm giữ, tạm giam.
Ý kiến bạn đọc