(VnMedia) - Góp ý cho việc hoàn thiện Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông, nhiều chuyên gia, nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam vẫn tranh luận rất “nóng” quanh chủ đề trên.
Hội nói tích hợp chẳng khác nào “khai tử”…
Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa môn Lịch sử tích hợp trong các môn Đạo đức - Công dân, Quốc phòng An ninh để trở thành môn Công dân với Tổ quốc. Và ở cấp THPT học sinh còn được tự chọn học Lịch sử ở môn Khoa học xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với việc lồng ghép trên, và cho rằng điều này không khác gì đã “khai tử” môn học quan trọng này.
GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc đưa môn Lịch sử trở thành môn tích hợp, và biến môn học này không còn là môn riêng biệt. Ông khẳng định, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tranh luận tới cùng để đưa môn học quan trọng này trở thành môn bắt buộc riêng biệt. Có thể trong tháng 11 này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề trên, sẽ mở rộng truyền thông để mong cả xã hội biết tới.
GS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng cho biết, việc trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có đưa ra giáo dục tích hợp trong hoàn cảnh của Việt Nam là điều đáng ái ngại, không muốn nói là quá khó. Đưa Lịch sử trở thành tự chọn không khác gì giết chết môn học đó, như loại môn học quan trọng này ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông. GS. Ngọc cũng khẳng định, cách làm như Bộ rõ ràng là đưa nền giáo dục của đất nước không đặt trên lịch sử và văn hóa của dân tộc, không đặt trên đạo lý của dân tộc, lối sống của dân tộc.
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm của mình, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay ông đã phải bỏ cả buổi tham luận tại Quốc hội để đến dự cuộc hội thảo quan trọng này. Ông Dương Trung Quốc cũng thẳng thắn, Bộ GD&ĐT đặt vấn đề các môn tích hợp trong dự thảo chương trình mới chưa thuyết phục. Ông lưu ý Bộ GD&ĐT đừng biến giáo dục là nơi để thí nghiệm, điều đó là rất nguy hiểm.
Ảnh minh họa. |
… Bộ lại bảo “không bỏ hay xem nhẹ”!
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, để khắc phục những hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành như nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, kiến thức chồng chéo giữa các môn học; thiết kế của chương trình mới ở bậc tiểu học, THCS sẽ hình thành các môn học mới được tích hợp từ một số môn học truyền thống, có nội dung liên quan, gần nhau như các môn tìm hiểu khoa học tự nhiên, tìm hiểu khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội... Thiết kế này đã gây hiểu nhầm, khiến dư luận cho rằng Bộ GD&ĐT bỏ môn Lịch sử vốn là môn học “không thể xếp vào hàng môn phụ”.
Trên thực tế, không có việc bỏ môn lịch sử. Ở các bậc học dưới, kiến thức lịch sử tích hợp trong các môn học mới. Ở bậc THPT, sẽ bao gồm các môn học bắt buộc và tự chọn. Tùy định hướng nghề nghiệp, học sinh có thể lựa chọn một trong hai môn lịch sử hoặc khoa học xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nếu bộ môn nào cũng muốn học sinh bắt buộc phải học, môn nào cũng muốn đứng độc lập, muốn thời lượng dạy học nhiều hơn, muốn đưa thật nhiều nội dung kiến thức thì người học sẽ tiếp tục bị quá tải. Lâu nay môn Lịch sử vẫn đứng độc lập, nhưng vẫn có nhiều học sinh sợ học lịch sử vì phải ghi nhớ quá nhiều sự kiện, con số. Trong khi đó trên thực tế nhiều bạn trẻ yêu lịch sử lại vì những câu chuyện lịch sử nhẹ nhàng, do các hoạt động có ý nghĩa giáo dục.
Với chương trình giáo dục phổ thông mới, ở bậc học dưới môn học sẽ được thiết kế gần gũi, sinh động, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, dễ cảm, dễ hiểu, gắn với thực tế hơn. Nếu đặt mục tiêu “để học sinh hiểu, thích học và yêu lịch sử dân tộc” thì cách tiếp cận mới sẽ có hiệu quả hơn.
Ở bậc THPT, môn Lịch sử xuất hiện trở lại là môn học độc lập, bên cạnh môn học có tính tích hợp cao là môn khoa học xã hội, môn công dân với Tổ quốc (đều có phân môn Lịch sử, nhưng lựa chọn nội dung phù hợp với mục tiêu của mỗi môn). Trong đó, môn công dân với Tổ quốc là bắt buộc với tất cả học sinh.
Thùy Minh
Ý kiến bạn đọc