"Giai đoạn vàng" phát triển con người đang bị coi nhẹ

17:21, 12/11/2015
|

(VnMedia) - Giai đoạn từ 0 - 3 tuổi là “giai đoạn vàng” để giáo dục, phát triển con người, phát triển giống nòi, đây là giai đoạn đáng lẽ cần được chú trọng giáo dục nhất thì hiện nay tại nước ta lại bị coi nhẹ.

0 - 3 tuổi là “giai đoạn vàng” của một đời người

Rất nhiều ý kiến tham luận tại Diễn đàn tham vấn và đề xuất chính sách cải thiện cơ hội chăm sóc, giáo dục sớm trẻ em từ 0 - 3 tuổi do Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người cùng tổ chức sáng 12/11, đã khẳng định điều này.

Ông Vũ Oanh - Nguyên ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết, nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục sớm trên thế giới đều chỉ ra rằng, những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất, đặc biệt là giai đoạn từ 0 - 3 tuổi. Đây là “Giai đoạn vàng”, là “Cửa sổ của cơ hội” để bộ não phát triển và hoàn thiện. Đây cũng là thời kỳ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe, môi trường sống và nội dung phương pháp giáo dục sớm.

Vì vậy, trẻ mầm non là nhóm đặc biệt quan trọng, là nền tảng trong chiến lược phát triển con người. Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và giáo dục có chất lượng cao cho trẻ mầm non là nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nòi giống dân tộc, nguồn lực tương lai của đất nước.

Còn Ths. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì khẳng định: “Việc chăm sóc, giáo dục trẻ những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn 0 - 3 tuổi mang tính quyết định đối với sự phát triển cả về thể chất, tinh thần và khả năng học tập của trẻ cho đến khi trưởng thành. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, những năm đầu đời của con người rất quan trọng để hình thành trí thông minh, nhân cách và các hành vi xã hội. Do vậy, trẻ cần sống trong một môi trường an toàn, thân thiện ngay từ trong gia đình, nhà trường cũng như cộng đồng”.

Nhiều ý kiến từ góc độ nghiên cứu khoa học như NGND. PGS. TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, TS. Nguyễn Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và trẻ em cũng khẳng định giai đoạn từ 0 - 3 tuổi là “giai đoạn vàng” để giáo dục, phát triển con người, phát triển giống nòi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không thể xóa đói giảm nghèo nếu không quan tâm đến “giai đoạn vàng”

Theo ông Vũ Oanh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nguồn nhân lực chính là yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam còn yếu về trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng công việc, mà nguyên nhân chủ yếu là từ hệ thống đào tạo còn lạc hậu và chậm phát triển. Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức tới giai đoạn giáo dục sớm trẻ em từ trong thai và từ 0 - 3 tuổi.

Đề cập riêng vai trò của Bộ Giáo dục, NGND. PGS. TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, hiện ngành giáo dục chỉ tập trung quan tâm đến giáo dục trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) để phục vụ cho phổ cập giáo dục mầm non mà không quan tâm đến giai đoạn đầu đời của trẻ từ 0 - 3 tuổi. 

Trong khi đó, giai đoạn giáo dục trẻ từ 0 - 3 tuổi mới là cái gốc, chứ không phải giáo dục tiểu học mới là gốc. 1000 ngày đầu đời (từ khi trong bào thai đến 3 tuổi) là hết sức quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, con người bắt đầu từ đấy và con người định hình từ đấy, nhưng lại chưa được chú trọng giáo dục.

Một bằng chứng cụ thể nhất cho thấy sự thiếu quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo với vấn đề trên là ngay tại Diễn đàn tham vấn và đề xuất chính sách cải thiện cơ hội chăm sóc, giáo dục sớm trẻ em từ 0 - 3 tuổi, đã không có một đại diện nào từ Bộ đến dự, mặc dù trước đó các đơn vị tổ chức đã có giấy mời trân trọng tới Bộ.

Đồng tình với những ý kiến trên, bà Đinh Thị Phương Thảo - một đại diện đến từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho rằng, gần đây chúng ta cứ “xới xáo”, đề cập rất nhiều đến câu chuyện xóa đói giảm nghèo, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, nhưng tất cả những câu chuyện này sẽ không thể giải quyết được nếu không có đầu tư thỏa đáng một cách sáng tạo, phù hợp đối với chăm sóc “giai đoạn vàng”.

Bên cạnh đó, bà Đinh Thị Phương Thảo còn cho rằng, Việt Nam với nguồn lực hạn hẹp mà nếu chúng ta không xác định được đầu tư vào đâu, đầu tư cái gì cho thỏa đáng thì mọi đầu tư sẽ không có hiệu quả. Trong khi đó, đầu tư cho chăm sóc, giáo dục trẻ giai đoạn từ 0 - 3 tuổi là một đầu tư thỏa đáng, có lợi ích cho phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Đầu tư chăm sóc giáo dục trẻ thơ còn gắn kết gia đình, gắn kết cộng đồng xã hội nhiều hơn trong quá trình phát triển. Như vậy có thể nói giai đoạn vàng của một đời người cũng chính là “giai đoạn vàng” của đất nước.


Ý kiến bạn đọc