Chuyện "lạ" về thu, nộp phí ở Hà Giang

15:51, 12/11/2015
|

(VnMedia) - Trong khi ngay ở các thành phố lớn, nơi có tỷ lệ dân trí cao, phần lớn người được hỏi đều không biết các khoản phí mà mình đóng được sử dụng như thế nào thì nhiều người dân tộc thiểu số ở Hà Giang lại biết rất rõ…

“Bạn có biết các khoản phí mà mình phải nộp hàng năm được sử dụng như thế nào không?”

Người viết bài đã hỏi rất nhiều người xung quanh, đó là những đồng nghiệp, là hàng xóm, là bạn bè v.v… câu hỏi trên, nhưng phần lớn họ đều trả lời là “không biết” hoặc “không quan tâm”.

Cũng rất nhiều trong số người được hỏi nói rằng, họ không hoàn toàn thoải mái với việc đóng góp, tuy nhiên khi thấy tổ trưởng dân phố đi thu thì “đành phải móc hầu bao”, với tâm trạng vừa miễn cưỡng, vừa ngờ vực.

Tuy nhiên, tại Hà Giang, hàng nghìn người dân đã biết rõ những khoản phí mà họ nộp sẽ được sử dụng như thế nào. Thiết thực hơn, với sự hiểu biết đó, ngoài việc vui vẻ tự nguyện đóng góp những khoản phí theo quy định thay vì thờ ơ hoặc miễn cưỡng, người dân cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc lập kế hoạch chi tiêu cũng như giám sát việc chi các khoản thu đó như thế nào. Đó là nhờ người dân đã được tiếp cận với một chương trình có tên gọi: Chương trình phân tích ngân sách xã.

Dân biết, dân bàn, cán bộ… sướng!

Chương trình phân tích ngân sách xã thuộc dự án Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Vị Xuyên (tổ chức ActionAid – AAV tài trợ) là chương trình rất mới, trước đây đây chưa có tổ chức nào quan tâm đến vấn đề này, thậm chí cả cơ quan nhà nước.

Nhưng từ khi có chương trình của AAV, người dân vùng dự án biết nhiều hơn về các nội dung liên quan đến ngân sách xã cũng như quyền của họ đối với ngân sách này.

Anh Lý Văn Suẩn, trưởng thôn Nậm Dầu, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, dân tộc Hán cho biết, từ sau khi có chương trình, việc phân bổ các nguồn vốn về xã đều được công khai với người dân qua trưởng thôn, đại diện hội phụ nữ, thanh niên…

“Qua tập huấn, chúng tôi biết rõ về ngân sách nhà nước phân bổ về xã, xã cân đối phân bổ cho thôn để sử dụng. Sau đó, chúng tôi về tuyên truyền lại cho bà con. Khi biết rồi thì người dân hiểu về các chương trình, ví dụ như việc thu các khoản quỹ hỗ trợ người nghèo, an ninh quốc phòng…, người dân không còn thắc mắc nhiều nữa - anh Suẩn nói và khẳng định thêm, so với trước kia thì ba năm nay, việc đi thu các loại quỹ dễ hơn rất nhiều.

“Trước kia xã phải thành lập Ban đôn đốc thu, nay dân chúng tôi đã tự nguyện nộp nên việc thu thuận lợi hơn rất nhiều.” - anh Suẩn vui vẻ chia sẻ.

Hà Giang
Anh Lý Văn Suẩn, trưởng thôn Nậm Dầu, xã Ngọc Linh

Trao đổi với phóng viên, bà Lý Thị Xuyên, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ngọc Linh cho biết, trước kia khi chưa có Chương trình, cán bộ và dân hiểu về ngân sách rất hạn chế. Người dân rất ít tham gia chương trình dự toán ngân sách, ít có ý kiến về dự toán ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, từ khi được tập huấn, người dân hiểu hơn, quan tâm hơn và có nhiều ý kiến tham gia hơn.

“Ví dụ đầu năm dự toán các khoản phí thu chi, cuối năm tổng kết biết so sánh kết quả thực hiện với dự toán ban đầu có chênh lệch không, thực hiện có đúng không… Người dân quan tâm đến chi tiêu của thôn, thôn thì quan tâm đến chi tiêu của xã, người dân biết cách lập ngân sách của xã, trưởng thôn biết thu vượt hoặc đạt kế hoạch xã giao cho.” - bà Xuyên giải thích.

Đơn cử như đối với các loại quỹ như quỹ an ninh quốc phòng, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ học sinh nghèo, quỹ văn hóa, khi đã được tập huấn, giải thích và hiểu rõ các quỹ đó sẽ được chi vào những việc gì, người dân đã tự nguyện nộp.

Một con số ấn tượng được bà Phó Bí thư xã Ngọc Linh chia sẻ, đó là từ đầu năm nay, các quỹ này đã thu đạt 70-80% trong khi trước đây chỉ được khoảng 20%.  Điều đặc biệt là việc thu quỹ đã đạt được sự đồng thuận cao của người dân.

Trong khi đó, kết quả khảo sát hộ gia đình cho thấy, tỷ lệ người biết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)của thôn/xã khá cao. Có đến 87,7% người trả lời trong dự án cho biết họ được phổ biến về kế hoạch phát triển KT-XH của thôn năm 2015, cao hơn rất nhiều so với con số 16,2% trong khảo sát năm 2013.

Dân tăng giám sát – Cán bộ tăng trách nhiệm

Một thành công rất lớn của chương trình, đó là khi người dân hiểu rõ quyền của mình đối với việc minh bạch ngân sách xã cũng như dịch vụ công, thái độ của cán bộ xã khi giải quyết dịch vụ công (như làm Giấy khai sinh, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) đã tốt hơn trước rất nhiều.

Theo bà Xuyên, để tăng tính minh bạch, xã đã thực hiện dân chủ cơ sở. Theo đó, mỗi thôn thành lập ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ của nhà nước, đóng góp của nhà dân đều niêm yết công khai tại trụ sở thôn.

“Ví dụ vận động dân đóng góp làm đường bao nhiêu đều công khai tại trụ sở thôn, hay chương trình trồng cỏ mỗi ha được hỗ trợ bao nhiêu tiền, khi thôn nghiệm thu đều công khai kết quả hỗ trợ cho bà con biết. Hay chương trình xây dựng đường bê tông, nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng, nhân dân phải đóng góp vật liệu và công làm. Khi thực hiện, xã công bố công khai một mét đường hết bao nhiêu xi măng, bao nhiêu cát, sỏi…, từ đó người dân biết cách kiểm tra, giám sát việc làm của cán bộ thôn có đúng hay sai.” Bà Phó Bí thư xã nêu ví dụ.

Hà Giang
Bà Lý Thị Xuyên, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ngọc Linh

Điều đặc biệt, theo bà Xuyên, việc tăng năng lực giám sát của người dân cũng tạo áp lực để cán bộ thôn, xã thấy cần phải làm tốt hơn, minh bạch hơn, tăng cường trưng cầu ý kiến của người dân và biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân.

“Ví dụ như việc làm đường, xã cũng xin ý kiến dân cách thức triển khai bởi việc mở rộng đường cần người dân hiến đất. Sau thảo luận, người dân tự thống nhất, đưa ra phương án phù hợp. Theo đó, 15 hộ hiến đất sẽ được giảm chi phí đóng góp, trong khi 35 hộ còn lại thì lại tăng. Chính vì vậy, con đường dài 800m sau đó đã được triển khai rất thuận lợi” – bà Phó Bí thư xã chia sẻ thành công.

Ngoài các khoản phí, mức phí cho các đối tượng khác nhau đều được niêm yết công khai ở bộ phận một cửa để khi người dân đến làm thủ tục đều biết rõ thì các chương trình hỗ trợ khó khăn cũng đều được thông tin minh bạch, như chương tình 135 hỗ trợ nuôi trâu, hỗ trợ máy tuốt lúa… mỗi gia đình được bao nhiêu tiền đều được công khai rõ ràng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch HĐND xã Ngọc Linh cho biết, từ khi có Chương trình phân tích ngân sách xã, việc công khai minh bạch so với trước kia tốt hơn rất nhiều, do vậy, công tác thu phí, thu quỹ… cũng thuận lợi hơn nhờ người dân hiểu và ủng hộ các chủ trương của nhà nước và địa phương, đồng thời công tác hành chính chuyển biến rất tích cực.

“Đi sâu vào quy chế dân chủ, làm tốt thì lòng dân đồng tình ủng hộ rất cao.” - Phó Chủ tịch HĐND xã Ngọc Linh khẳng định.

“Với tổng ngân sách gần 30 tỷ đồng, Chương trình hoạt động tại 8 xã khó khăn nhất trong huyện Vị Xuyên bao gồm các xã Thuận Hòa, Phong Quang, Ngọc Linh, Ngọc Minh, Bạch Ngọc, Quảng Ngần, Thượng Sơn và Cao Bồ.

Một trong những mục tiêu của AAV là nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương cũng như tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động quản trị tại địa phương, đặc biệt chú trọng vào phụ  nữ và đội ngũ thanh niên trẻ. Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện đến nay, các hoạt động cải thiện chủ yếu bao gồm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, hoạt động phân tích ngân sách xã và nâng cao  năng lực cho đại biểu HĐND xã tuyên truyền, phổ biến thông tin về giám sát và phân tích ngân sách xã cho người dân.”

 


Ý kiến bạn đọc