(VnMedia) - Để có thể sử dụng kết quả thi THPT vào mục đích tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), các câu hỏi trong đề thi phải được chuẩn hóa và chuẩn bị sẵn từ trước, như vậy có nghĩa cần có một ngân hàng câu hỏi.
Ảnh minh họa. |
Theo PGS. TS. Đặng Bá Lãm - Trưởng ban nghiên cứu khoa học của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, để có thể sử dụng kết quả thi THPT như là một căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), đề thi phải có phần những người có trình độ trung bình trở lên đều làm được để đạt điểm tốt nghiệp tối thiểu và có phần chỉ những người có năng lực trên trung bình, khá và giỏi mới có thể làm được.
Điều này cũng là để trong trường hợp cần phải lựa chọn thì có thể xác định được những người đó trong tập hợp những người tốt nghiệp. Ví dụ đề thi có thể gồm 50% câu có độ khó trung bình, 30% tương đối khó, 20% thật khó.
Muốn thế các câu hỏi trong đề thi phải được chuẩn hóa và chuẩn bị sẵn từ trước, ngân hàng các câu hỏi phải rất dồi dào, phong phú. Khi tổ chức thi cần lựa chọn, sắp xếp các câu hỏi để tạo ra đề chứ không thể lúc đó mới "sáng tác" các câu hỏi, bởi khi xây dựng đề thi mà sử dụng các câu hỏi mới "sáng tác", chưa được đánh giá và phân loại trước thì sẽ đưa đến các kết quả ngoài dự kiến.
Cũng theo PGS. TS. Đặng Bá Lãm, các câu hỏi chuẩn hóa ngoài việc được đánh giá về độ khó dễ, còn được đánh giá về độ phân giải, độ tin cậy và độ giá trị. Lý thuyết đánh giá hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin cho phép đánh giá các câu hỏi theo các độ đo trên.
Ngân hàng các câu hỏi chuẩn hóa với vốn lớn các câu hỏi cho các môn học ở các cấp bậc học và trình độ đào tạo là điều kiện thiết yếu để tổ chức thi thuận lợi và có chất lượng. Vì vậy, PGS. TS. Đặng Bá Lãm cho rằng để có ngân hàng đề thi cần nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm khảo thí.
Tương tự, PGS. TS. Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, để mỗi kỳ thi cử diễn ra nhẹ nhàng hơn cần thành lập ngay ngân hàng đề thi của Bộ. Như vậy các trường chỉ việc dựa vào đó lấy đề thi và có thể tiến hành thi và tuyển sinh đại học nhiều lần chứ không phải 1 lần duy nhất trong năm. Điều này sẽ giảm được áp lực cho các trường đại học mỗi khi tuyển sinh. Bộ GD&ĐT chỉ cần “cầm trịch” quản lý là được.
Ý kiến bạn đọc