Lo ngại nhiều diễn biến xấu trong tâm lý học sinh

16:38, 09/10/2015
|

(VnMedia) - Nhiều vấn đề liên quan tới tâm lý học sinh đang đặt ra cho xã hội nhiều điều đáng lo ngại. Tình trạng bao lực học đường, quan hệ tình dục sớm, những hành vi lệch chuẩn... là những biểu hiện đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay.

Học sinh nói tục, chửi bậy… không còn là cá biệt

Tại hội thảo xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác phối hợp nhà trường-gia đình-xã hội diễn ra ngày 9/10, các đại biểu đã đưa ra những vấn đề đáng quan ngại trên.

Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chia sẻ tại hội thảo, đáng buồn là hiện nay trong nhà trường tình trạng học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô, người lớn tuổi không còn là hiện tượng cá biệt. 

Tình trạng quan hệ tình dục sớm cũng đáng báo động. Hiện tượng kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên và có những hành vi lệch chuẩn như: bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, uống rượu bia say xỉn, đua xe, vi phạm giao thông.. là những biểu hiện đáng lo ngại trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Theo ông Ngũ Duy Anh, đối với học sinh phổ thông, khi mà nhân cách các em đang trong quá trình hình thành, phát triển có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Các vấn đề tâm lý, các khó khăn trong cuộc sống khá phổ biến như căng thẳng trong học tập, các xung đột trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình, sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp, các tác động từ mạng Internet.. nếu không được tư vấn, chia sẻ, giải tỏa kịp thời thì  rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.  

Trong khi đó, công tác chỉ đạo, tổ chức hoạt động tư vấn trong nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập. Tuy đã có nhiều giải pháp, một số nơi đã thành lập được phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên nhưng hoạt động chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao. 

Một cuộc khảo sát mới đây của bộ GD&ĐT cho thấy, đa phần học sinh có nhu cầu tâm lý tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, tâm lý e ngại, không chủ động trong việc tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ đã cản trở các em. Điều đó cho thấy, để đạt mục tiêu tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên thì công tác này trong nhà trường phải được triển khai chủ động, hấp dẫn các em, nhưng công tác tư vấn học đường trong nhà trường chưa thực sự được coi trọng nên  học sinh thiếu “người bạn, người thầy” để chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. 

Sẽ có mô hình tư vấn tâm lý tại trường học. (Ảnh minh họa)
Sẽ có mô hình tư vấn tâm lý tại trường học. (Ảnh minh họa)

 Sẽ có mô hình tư vấn tâm lý tại trường phổ thông

Để giải bài toán phức tạp về các hiện tượng tâm lý đáng lo ngại trong học sinh, giới trẻ hiện nay, Bộ GD&ĐT cho biết, tới đây Bộ sẽ đề xuất mô hình tư vấn tâm lý áp dụng tại các trường phổ thông. 

Mục tiêu là tư vấn để giáo dục hình thành các kỹ năng xã hội; tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản; tâm lý gia đình; hướng nghiệp; những vấn đề của xã hội hiện đại.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đội ngũ cán bộ, giáo viên tư vấn sẽ được xây dựng, bố trí nguồn lực và tài chính để đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ này. Tại các trường sẽ xây dựng các phòng tâm lý tư vấn riêng, có chuyên gia tâm lý chuyên sâu. Tổ chức các buổi nói chuyện giữa chuyên gia tâm lý với các em; tăng cường hoạt động ngoại khóa để thu hút học sinh nhằm nâng cao kỹ năng sống.

Hoạt động tư vấn tâm lý đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, góp phần tích cực vào việc giáo dục hành vi cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành văn hóa học đường. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa có quy định nào làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tư vấn tâm lý trong nhà trường. Tuy nhiên, từ những mô hình đã có ở các trường hiện nay, Bộ sẽ đề xuất một số mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả để các Sở GD& ĐT, các trường triển khai phù hợp với thực tế.

Thùy Minh


Ý kiến bạn đọc