(VnMedia) - Bắt đầu 9h15, sản phẩm đầu tiên trong Hội đồng chấm Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng của Giải thưởng NTĐV 2014 bước vào bảo vệ. Dù ngoài trời khá lạnh nhưng không khí trong Hội trường bảo vệ Sản phẩm CNTT tiềm năng không ngừng “nóng” lên theo từng giờ.
>> Giám khảo Nhân tài Đất Việt 2014 nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học khuyến tài”
>> Nhân tài Đất Việt 2014 vào chặng đường tìm quán quân
Năm nay, Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 được chia làm 3 hội đồng nhỏ. Những giám khảo tham gia phản biện, thẩm định, đánh giá các sản phẩm đều là những nhà khoa học lớn, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay.
Mỗi sản phẩm bảo vệ có thời gian kéo dài khoảng 45 phút. Mỗi tác giả, nhóm tác giả sẽ có tối đa 25 phút để trình bày những tính năng, ưu điểm của sản phẩm nhóm mình trước các giám khảo. 20 phút còn lại, Hội đồng giám khảo sẽ “quay” từng nhóm với những câu hỏi hóc búa.
Hội đồng giám khảo sản phẩm CNTT triển vọng gồm GS-TS Nguyễn Thanh Thủy; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng; TS. Trần Quý Nam; PGS.TS Lương Chi Mai; TS. Hoàng Lê Minh; PGS. TS Phạm Bảo Sơn PGS; TS Hoài Bắc và TS. Nguyễn Long.
Đại diện nhóm tác giả sản phẩm” Hệ thống thu thập - Lưu trữ thông tin ảnh DICOM (hệ thống Pacs) và Hội chuẩn y tế trực tuyến Bách Khoa” bảo vệ sản phẩm của mình.
Là nhóm đầu tiên bảo vệ trong Hội đồng Sản phẩm triển vọng, nhóm “Hệ thống thu thập – Lưu trữ thông tin ảnh DICOM (hệ thống Pacs) và Hội chuẩn y tế trực tuyến Bách Khoa” của Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh Ưu Việt, đã đến khá sớm để chuẩn bị. Các tác giả của nhóm khá tự tin trước và trong quá trình bảo vệ sản phẩm trước Hội đồng Chung khảo.
Theo Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, qua thẩm định đánh giá thực tế sản phẩm này tại Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm có chất lượng đảm bảo, dễ sử dụng, khả năng tích hợp tốt. Theo báo cáo của tác giả chi phí triển khai thấp chỉ bằng 1/4 sản phẩm của nước ngoài. Sản phẩm này có tiềm năng ứng dụng rất tốt. Sản phẩm trang bị phần mềm quản lý y tế, đầy đủ chức năng, chụp ảnh X-Quang số,… kết hợp với chức năng xử lý lưu trữ, duyệt web, trao đổi thông tin, video, voice, hội thảo truyền hình nhanh và thuận tiện.
Tuy nhiên, là một sản phẩm về lĩnh vực y tế, nên Hội đồng Chung khảo rất đề cao việc thẩm định y khoa của hệ thống đã đạt chuẩn y tế hay chưa? Giá như sản phẩm của nhóm được đưa vào đề tài nghiên cứu khoa học và được thẩm định của Hội đồng y khoa thì sẽ có cơ sở để Hội đồng Chung khảo đánh giá cao hơn.
Anh Nguyễn Chí Ngọc, đại diện của nhóm tác giả rất tâm đắc với những góp ý và những câu hỏi rất sát với thực tế được Ban giám khảo đưa ra. Anh cũng nuối tiếc vì thời gian bảo vệ hơi ngắn, nhóm chuẩn bị nhiều nhưng chưa nói hết được.
Trái ngược với vẻ tự tin của nhóm đầu tiên, các thí sinh của sản phẩm “Website tìm kiếm so sánh sản phẩm Việt Nam Websosanh.vn” có vẻ hơi run khi bước vào phần bảo vệ sản phẩm.
Phần bảo vệ của thí sinh sản phẩm “Website tìm kiếm so sánh sản phẩm Việt Nam Websosanh.vn”
Là sản phẩm giúp người dùng tìm sản phẩm, so sánh các website bán sản phẩm, chỉ ra thông tin giá, địa điểm, thông tin liên hệ bán hàng…, nên các vấn đề về độ hài lòng của người dùng, tiềm năng công nghệ và công nghệ sử dụng cũng như thuật toán xử lý để việc so sánh nhanh hơn, xác thực hơn, làm sao chứng minh được sản phẩm hữu ích với người dùng… là những yếu tố Ban Giám khảo “xoáy sâu” vào nhóm thí sinh websosanh.vn.
Trước những câu hỏi và tư vấn góp ý của Hội đồng Giám khảo, nhóm tác giả rất tâm đắc và tâm phục khẩu phục. Ngay sau phần bảo vệ, trưởng nhóm sản phẩm này - anh Lê Đắc Thịnh Đồng cũng mạo muội nhờ các Giám khảo sau này sẽ giúp đỡ, tư vấn nhiều hơn nữa cho nhóm về thuật toán xử lý để giải quyết các bài toán lớn hơn nhằm hoàn thiện hơn sản phẩm và đáp ứng tốt hơn người tiêu dùng.
Trong thời gian ngắn trình bày và bảo vệ khá ngắn, nhiều nhóm không tránh khỏi lúng tùng. Chỉ mất 15 phút trình bày ngắn gọn nhưng các thí sinh của sản phẩm “Phần mềm kế toán thuế thông minh ITAS” khá bất ngờ với những câu hỏi của Giám khảo đưa ra trong phần phản biện.
Đại diện nhóm chia sẻ rằng: “chỉ thời gian ngắn như vậy rất khó để nhóm có thể đưa ra những thông tin sâu, chi tiết về văn bản, thông tư và kỹ thuật cặn kẽ như yêu cầu của Ban Giám khảo. Tuy nhiên, những gợi ý của Giám khảo về tích hợp sản phẩm với các sản phẩm khác, mở rộng ra nhiều đối tượng hợp tác rất thích đáng. Thực ra, sản phẩm mới triển khai 5 tháng và nhóm cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp nhưng rất khó để thuyết phục. Nhóm rất mong thông qua giải thưởng này có thể thuận lợi hơn để tiếp cận và thuyết phục các doanh nghiệp.
Với “Giải pháp quản lý bán hàng online trên nền tảng điện toán đám mây OPENWAYPOS” , Ban Giám Khảo lại xoáy sâu vào quản lý định danh người dùng, chi phí triển khai, sản phẩm đã ứng dụng ở Việt Nam hay trên thế giới chưa, nhóm tác giả có điều tra, nghiên cứu về thị hiếu khách hàng có thuận tiện cho sử dụng hay không?
Thí sinh OPENWAYPOS demo sản phẩm trước Giám khảo.
Rất tâm huyết đi theo sản phẩm này trong suốt 8 năm và liên tục cập nhật và phát triển công nghệ phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Mục tiêu nhóm hướng tới chính là trên nền tảng điện toán đám mây, mạng xã hội lĩnh vực hẹp để giúp các “ông bà” chủ tăng doanh số và nguồn thu khi sử dụng sản phẩm này trong kinh doanh. Tuy nhiên, với sản phẩm nhóm khá hay mang đến demo tại buổi phản biện nhưng rất tiếc lại không đề cập chi tiết trong hồ sơ đăng ký nên cũng “mất điểm” hơn khi Ban giám khảo đánh giá.
Còn với " Thiết bị quản lý tích hợp, dịch vụ và hạ tầng mạng chuyên nghiệp", chọn lĩnh vực tiềm năng thì nhóm cần phải chỉ ra được tính tiềm năng và làm thế nào tồn tại được. Đại diện nhóm mong muốn ứng dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực Viễn thông, xây dựng thiết bị với chi phí thấp hơn như router, gateway để thay thế các sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. Nhóm cũng tham vọng phát triển sản phẩm này để ứng dụng vào trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Ban giám khảo cũng đánh giá cao sản phẩm này vì đã làm chủ hoàn toàn được công nghệ từ đầu đến cuối, giá thành rẻ có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác của nước ngoài, kể cả sản phẩm của Trung Quốc và có thể mở rộng thêm ra tầng ứng dụng..., hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Thí sinh trình diễn router, gatewate hoàn toàn "made-in" Việt Nam.
Nhìn chung, các nhóm thí sinh tham dự bảo vệ sáng 16/11, đều rất tâm phục khẩu phục với những câu hỏi, gợi ý và tư vấn của Hôi đồng Chung khảo để sản phẩm phát triển, hoàn thiện hơn nữa để đi vào thực tiễn cuộc sống.
Chiều nay (16/11), 4 sản phẩm còn lại sẽ tiếp tục bảo vệ trước Hội đồng Chung khảo sản phẩm CNTT triển vọng gồm “Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh”, “Giải pháp giám sát website tập trung”, “Hệ thống phát hiện thông tin bạo lực trong video”, “Hệ thống cảnh báo nguy hiểm VEAS”.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Số liệu Toàn cầu (GDS) là liên doanh giữa Công ty Thông tin NTT Nhật Bản (NTTCom) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). GDS được thành lập năm 2008, hiện đang vận hành và khai thác Trung tâm dữ liệu công nghệ tiên tiến hàng đầu Nhật Bản với tiêu chuẩn quốc tế Tier-3, TIA-942 và được cấp chứng nhận ISO27001 về an toàn an ninh thông tin. Trung tâm dữ liệu GDS cung cấp các dịch vụ IT đa dạng, tư vấn thiết kế cấu trúc mạng theo nhu cầu cụ thể của từng khách hàng, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ của khách hàng và giúp khách hàng giảm thiểu chi phí đầu tư. GDS xây dựng quy trình tiêu chuẩn cho việc cung cấp dịch vụ được vận hành 24hx365 ngày bởi đội ngũ các kỹ sư có kinh nghiệm và chuyên nghiệp nhằm đem đến mức độ thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng.
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty Cổ phần Dịch vụ Số liệu Toàn cầu (GDS) Tel: (84-4) 3562 6996 Email: sales@gds.vn |
Ý kiến bạn đọc