Ngừng bán Windows 7, người dùng bị ảnh hưởng?

07:04, 08/11/2014
|

(VnMedia ) - Tại sao Microsoft lại “chia tay” với phiên bản phổ biến nhất của hệ điều hành - Windows 7 và điều đó ảnh hưởng thế nào tới người dùng Windows?

Nếu bạn vẫn “than khóc” về sự sụp đổ của Windows XP sau khi Microsoft chấm dứt hỗ trợ phiên bản này hồi tháng 4 năm nay, thì còn nhận được tin tức xấu hơn. Bởi vì, Windows 7 sẽ là phiên bản tiếp theo trong danh sách bị “xử trảm”.

Ảnh minh họa


Microsoft đã ngừng bán các đăng ký (licences) đối với phiên bản phổ biến nhất của Windows từ ngày 31/10/2014. Đây được coi là bước đi đầu tiên để giảm sự ảnh hưởng của phiên bản này xuống trong sự trỗi dậy của Windows 8.

Windows 7 sẽ vẫn nhận được sự hỗ trợ và cập nhật cho đến tháng 1/2020, vì vậy không có gì cần lo lắng về việc hệ điều hành này trở nên lỗi thời nhưng thời hạn ngừng hỗ trợ sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với người dùng đang sử dụng phiên bản này.

Ảnh hưởng gì tới người dùng?

Sự thay đổi ý nghĩa nhất là các nhà sản xuất PC sẽ không thể mua bất kỳ “key” đăng ký Windows 7 nào nữa từ Microsoft, vì vậy, họ chỉ có thể cung cấp máy tính PC mới cài sẵn Windows 8.1. Dell đã sẵn sàng cho việc bán máy tính PC mới có Windows 8.1 và không lâu nữa các nhà sản xuất khác cũng thực hiện như vậy.

Ảnh minh họa


Thời hạn này không chỉ áp dụng đối với các phiên bản Home Basic, Home Premium và Ultimate của Windows 7. Trong khi phiên bản Professional vẫn sẽ được kéo dài thêm 1 năm nữa. Tuy nhiên, cũng có khả năng các đĩa cài đặt đối với tất cả phiên bản của Windows 7 vẫn còn bán trên thị trường một thời gian nữa. Ví dụ như trường hợp phiên bản Vista trước đây, cho dù Microsoft đã ngừng bán từ năm 2010 nhưng hiện người dùng vẫn có thể tìm thấy trên mạng.

Tại sao Microsoft “khai tử” Windows 7?

Windows 7 vẫn là phiên bản Windows phổ biến nhất được cài đặt trên máy tính PC. Số liệu gần đây cho thấy, Windows 7 đang cài đặt trên 53% PC, Windows XP là 17%. Trong khi đó, Windows 8 và 8.1 có thị phần tương ứng là 10,9% và 5,9%, trong khi Vista vẻn vẹn chỉ còn 2,8% máy tính sử dụng.

Vì vậy, có thể nói rằng, Windows 7 rất phổ biến nhưng tại sao Microsoft lại ngừng bán? Câu trả lời đơn giản là việc hỗ trợ hệ điều hành cũ cần thời gian và tiền bạc. Với Windows 8 hiện cũng đã có tuổi đời 2 năm và phiên bản kế tiếp –Windows 10 đang chuẩn bị “ra lò”. Do đó, Mcrosoft đơn giản không thể đủ khả năng lo lắng quá nhiều về hệ điều hành ra mắt từ năm 2009 và cung cấp các bản cập nhật cho đến 2020 đã là một cam kết hỗ trợ rất lớn.

Công nghệ cũng di chuyển nhanh chóng và bất cứ phần cứng PC cài Windows 7 được thiết kế làm việc cách đây 5 năm hiện cũng đã cũ, ngay cả khi chúng vẫn hoạt động hoàn hảo. Mặc dù vậy, Windows 8 là bước tiến lớn so với các phiên bản trước đó khi hỗ trợ màn hình cảm ứng đa điểm cỡ lớn và Windows 10 (không có Windows 9) sẽ chạy được trên cả PCs, máy tính bảng, Windows Phone và thậm chí cả Xbox và Smart TV.

Ảnh minh họa
Menu Start của Windows 10.

Windows 10 hiện đã có sẵn phiên bản preview cho người dùng để bất cứ ai cũng có thể dùng thử. Phiên bản này giải quyết những phàn nàn về Windows 8 bằng cách quay trở lại thiết kế giống với Windows 7 nhiều hơn và menu Start đã quay trở lại.

Dự kiến ra mắt vào năm tới, Windows 10 giống như một phiên bản dành cho bất cứ ai cho đến nay vẫn chống lại việc nâng cấp lên Windows 8.

Với một cải tiến như nút Start trở lại, Windows 10 hứa hẹn sẽ ngày càng phổ biến và dễ sử dụng, hỗ trợ đa nhiệm cùng nhiều tính năng dành cho doanh nghiệp sẽ thu hút một lượng lớn người dùng vốn đang đau đầu với Windows 8.


Tuệ Minh - (Theo Cnet)

Ý kiến bạn đọc