Học viên Aptech tốt nghiệp 4 năm không có bằng

06:51, 27/09/2014
|

(VnMedia) - Rất nhiều học viên tại trung tâm đào tạo lập trình viên Aptech Hải Phòng và trung tâm Arena (Hải Phòng) đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng không được cấp bằng, nhiều học viên khác đã đóng tiền, đang học dở dang thì trung tâm tuyên bố đóng cửa khiến phụ huynh và học viên hết sức sững sờ.

Thực tế này đã xảy ra tại Trung tâm đào tạo lập trình viên Aptech Hải Phòng và Trung tâm Arena Hải Phòng từ cuối năm 2013.

 

Trung tâm đóng cửa, học viên... ra đường

 

Aptech và Arena là một công ty giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin với hơn 3.500 trung tâm đào tạo tại 53 quốc gia. Công ty có trụ sở chính tại Mumbai, Ấn Độ. Tại Việt Nam, có 25 trung tâm đang hoạt động.

 

Để tốt nghiệp tại các trung tâm này, học viên phải trải qua quá trình học tập 4 năm với quy trình đào tạo khắt khe. Việc kiểm tra, thi cử đều được thực hiện trên máy tính và gửi trực tiếp về Ấn Độ để đánh giá cho điểm.

 

Tin tưởng vào uy tín Aptech, hàng trăm gia đình đã gửi con học tập, rèn luyện tại Aptech Hải Phòng. Mức học phí mỗi năm học viên phải đóng là 40 triệu đồng. Một mức giá cao gấp hàng chục lần so với học phí các trường đại học khác.

 

Thế nhưng, một nghịch lý, đã có hàng trăm học viên tham gia theo học tại đây bị Trung tâm này "đem con bỏ chợ" khi đột ngột tuyên bố đóng cửa, kèm theo đó là một lời xin lỗi "suông" đối với phụ huynh, học sinh và một lời hứa hẹn các học viên chờ trung tâm sẽ tiếp tục mở một khóa học khác thay thế. Nhưng chờ đợi cả cả một năm nay, Trung tâm này vẫn chưa có bất cứ động thái gì, nhiều phụ huynh và học viên bức xúc đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Aptech Hải Phòng.

 

Em Vũ Công Minh (học viên Aptech Hải Phòng) cho biết, em đã theo học chuyên ngành công nghệ thông tin tại trung tâm được hơn 1 năm. Vào tháng 5/2013, thực trạng dạy và học của Trung tâm diễn ra một cách hết sức thất thường, các giáo viên dạy giỏi và có nhiều kinh nghiệm lần lượt đều bỏ dạy, thay vào đó là các giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm khiến cho việc tiếp thu kiến thức bị gián đoạn.

Đến tháng 9/2013, trung tâm bị niêm phong, mọi việc học dừng hẳn lại. "Lúc đó, ông Vũ Hải Long, Giám đốc trung tâm có hứa hẹn với phụ huynh và học viên sẽ tổ chức lại lớp học trong thời gian sớm nhất và giải quyết quyền lợi của học viên một cách triệt để. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, 1 năm đã trôi qua, Trung tâm vẫn chưa hề có bất kể động thái gì để giải quyết quyền lợi cho các học viên.

Tư vấn cho học viên tại Hải Phòng - APTECH

Tư vấn cho học viên tại Hải Phòng - APTECH


Không chỉ những học viên đang theo học tại trung tâm Aptech Hải Phòng bức xúc  mà cả những học viên đã tốt nghiệp cũng vô cùng phẫn nộ trước việc chờ đợi 3 năm mà vẫn không nhận được chứng chỉ tốt nghiệp.

 

Anh Hoàng Văn Thanh – nhân viên công ty FPT Hải Phòng cho biết, anh và hàng chục học viên khác đã kết thúc khóa đào tạo được 4 năm nhưng Trung tâm vẫn không cấp chứng chỉ. Thậm chí, có cả học viên còn chưa được Trung tâm tổ chức cho làm bài thi tốt nghiệp để kết thúc khóa đào tạo khiến cho công sức, tiền của theo học 3 năm nay cuối cùng lại tay trắng.

 

"Chúng tôi đã nhiều lần lên Trung tâm để hỏi rõ về vấn đề này nhưng lãnh đạo trung tâm cứ khất hết lần này đến lần khác và giờ thì khất được 3 năm nay mà vẫn chưa có chứng chỉ" - anh Hoàng Văn Trường - một học viên đã tốt nghiệp cho biết.

 

Học phí của học viên bị chiếm dụng?

 

Theo tìm hiểu của PV, một lý do khiến hai Trung tâm này phải giải thể là do nợ nần về học phí với công ty mẹ tại Ấn Độ.

 

Xin được nhắc lại, để có thể vào học tại các Trung tâm này, phụ huynh phải trả học phí 40 triệu đồng/năm. Như vậy, với số lượng học sinh lên đến hàng trăm người thì số tiền Trung tâm đã thu không phải là ít. Thế nhưng, Giám đốc 2 Trung tâm này vẫn không lý giải được số tiền học phí đã thu của học viên đang được sử dụng vào mục đích gì.

 

Ông Vũ Hải Long – Giám đốc trung tâm đào tạo Aptech và Arena Hải Phòng phân trần: "Theo thông lệ, cứ mỗi năm 2 lần chúng tôi sẽ chuyển đủ số tiền đóng học và kết quả các kỳ thi của học viên cho bên Ấn Độ. Sau đó, họ sẽ gửi chứng chỉ tốt nghiệp về cho các học viên. Tuy nhiên, có thể do các em còn chưa hoàn thành nghĩa vụ với Trung tâm nên chưa được cấp bằng hoặc do lỗi của Trung tâm. Do vậy, phía Trung tâm sẽ tiếp tục rà soát vấn đề này."

 

Thế nhưng, khi PV đặt câu hỏi, vậy số tiền mà học viên đã đóng cho Trung tâm hiện còn bao nhiêu thì ông Long quanh co không trả lời. Thay vào đó, ông Long chỉ hứa là sẽ mở lại Trung tâm hoặc chuyển số học viên đang theo học lên Aptech Hà Nội để tiếp tục quá trình học và trả nợ nốt số chứng chỉ đang còn nợ các học viên.

 

Giáo dục, đào tạo nghề cho lứa tuổi vừa tốt nghiệp xong Trung học phổ thông là cực kỳ quan trọng, là tiền đề định hướng cho tương lai của cả một thế hệ, thế nhưng, đối với ông Giám đốc Vũ Hải Long, đó chỉ là trách nhiệm trả nợ, một hình thức kinh doanh thu lợi nhuận. Vậy trách nhiệm đối với tương lai của các học viên này như thế nào, thuộc về ai? Chẳng lẽ trong suốt quá trình gần 10 năm trung tâm đào tạo ở Hải Phòng mà không hề chịu sự quản lý nào của cơ quan chức năng nơi đây? Hàng trăm phụ huynh, học sinh Aptech Hải Phòng đang chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng

PV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc