(VnMedia) - Sau một thời gian hợp tác, Microsoft đã chính thức mua lại mảng kinh doanh thiết bị của Nokia với giá gần 7,2 tỷ USD. Vậy tại sao Microsoft lại lựa chọn thâu tóm Nokia mà không phải tên tuổi khác?
>> Microsoft mua lại mảng thiết bị của Nokia
Đánh chiếm từ bên trong
Cựu lãnh đạo của Microsoft - Stephen Elop là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thương vụ hợp tác sử dụng nền tảng Windows Phone và quyết định bán đứt Nokia. Vậy vai trò của Stephen Elop là gì?
Stephen Elop gia nhập Microsoft vào năm 2008 và giữ chức vụ Phó chủ tịch phụ trách bộ phận doanh nghiệp, trong đó có cả Office – được ví là “con gà đẻ trứng vàng” cho Microsoft. Đến tháng 9/2010, Elop chuyển sang làm CEO của Nokia. Chỉ 4 tháng sau, Elop đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt đối với Nokia như cắt giảm 4000 nhân viên và từ bỏ nền tảng Symbian già cỗi, bắt tay Microsoft để hỗ trợ nền tảng Windows Phone trên mặt hàng smartphone của công ty, nhằm cạnh tranh với Android và iOS. Hơn nữa, ông cũng khai tử hệ điều hành MeeGo, vốn được Nokia tập trung phát triển để thay thế Symbian.
Tiếp tục sau ba năm gia nhập Nokia, mảng thiết bị di động của nhà sản xuất Phần Lan đã thuộc về Microsoft (ông chủ cũ của Elop) với giá gần 7,2 tỷ USD. Elop vẫn giữ vị trí lãnh đạo mảng kinh doanh thiết bị và báo cáo trực tiếp cho CEO Steve Ballmer – Microsoft, đồng thời 32.000 nhân viên của Nokia cũng sẽ chuyển sang Microsoft theo thương vụ này.
CEO Nokia Stephen Elop |
Nhiều người cho rằng, Stephen Elop chính là “Trojan” được Microsoft “cấy” vào Nokia để thực hiện ý đồ thôn tính phần cứng của công ty này phục vụ cho nền tảng Windows Phone của hãng. Tuy nhiên, điều đó vẫn khó có một câu trả lời chính xác, vì tất cả các quyết định Nokia đưa ra đều được ban lãnh đạo cân nhắc và xem xét kỹ.
Chủ tịch của Nokia, Risto Siilasmaa thừa nhận rằng, việc thoái lui khỏi mảng điện thoại di động có thể là một quyết định “cảm tính” nhưng lại có ý nghĩa về mặt chiến lược và tài chính. Nokia không đủ nguồn lực để thúc đẩy smartphone Lumia của hãng. Một mình Nokia không đủ nguồn lực tài chính để đạt được sự tăng tốc cần thiết.
Do đó, với tình hình hiện tại, có thể đây là quyết định khôn ngoan đối với Nokia nhưng lại là bước ngoặt đối với Microsoft trong phân khúc di động. Bởi vì vận đen vẫn luôn đeo bám Microsoft từ trước tới nay khi thâm nhập vào lĩnh vực này.
Ai có lợi?
Đối với Microsoft, thương vụ này sẽ giúp họ có một chỗ đứng tốt trong thị trường di động, đồng thời cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ khác trong ngành công nghiệp như Apple, Google và Samsung.
Theo hãng phân tích Juniper Research, việc mua lại sẽ giúp Microsoft củng cố chiến lược thiết bị và dịch vụ của công ty. Trong khi đó, việc mua lại cung cấp Microsoft những “vũ khí” cần thiết và sự hiện diện lớn trong phân khúc di động, tích hợp các “tài sản” mới. Tuy nhiên, việc xây dựng thương thiệu và tăng thị phần sẽ là thách thức thực sự đối với gã khồng lồ phần mềm này, vốn không mấy may mắn trong lĩnh vực phần cứng. Trước đây, Microsoft đã thất bại với dòng máy nghe nhạc Zune, điện thoại Kin one, Kin Two và gần đây là máy tính bảng Surface RT.
Theo thỏa thuận mua bán, Microsoft sẽ chỉ 5 tỷ USD để mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia và gần 2,2 tỷ USD cho các bằng sáng chế bản quyền của Nokia. Như vậy, họ sẽ sở hữu thêm nhiều bằng sáng chế độc quyền của Nokia để phát triển trong lĩnh vực di động, cạnh tranh với các đối thủ “nặng ký” khác.
Hơn nữa, Microsoft sẽ có những bước đi lớn hơn trong các thị trường mới nổi với dòng điện thoại Asha đang được Nokia tập trung phát triển. Do đó, khách hàng sẽ sớm nhận thấy sự chuyển đổi từ Asha sang Lumia trên toàn quy mô và cả hệ sinh thái chứ không riêng gì smartphone. Có thể nói, thương vụ này sẽ giúp mở rộng và tăng cường hệ sinh thái di động mạnh mẽ và khắc phục những nhược điểm của nền tảng này. Công ty dự kiến sẽ sớm chuyển sang các thiết bị đeo trên người.
Đối với Nokia, họ đang phải đấu tranh để khẳng định vị trí của họ trong tương lai so với các đối thủ như Samsung và Apple trong thị trường smartphone. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng, thương vụ này sẽ tổng hợp sức mạnh của cả hai công ty.
Sau thương vụ mua lại, Nokia sẽ tiếp tục tập trung vào ba lĩnh vực gồm cơ sở hạ tầng mạng, dịch vụ và các công nghệ tiên tiến. Nokia dự định tập trung vào dịch vụ bản đồ và địa lý nhằm đấu lại giải pháp tương tự của Google. Juniper Research ước tính, thị phần smartphone của Nokia khoảng 6% trong năm 2013.
Trong khi đó, CSS cho rằng, đây là bước đi táo bạo nhưng hoàn toàn cần thiết và cũng là canh bạc lớn đối với Microsoft.
Sự thất bại của cách tiếp cận nền tảng của Microsoft trong 15 năm qua, ban đầu với Windows Mobile và gầy đây hơn là Windows Phone, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Nokia để phát triển thiết bị Windows Phone và cạnh tranh với sự lớn mạnh của Google và Apple.
Đây không phải là giải pháp “đạn bạc” cho Nokia và những khó khăn hiện tại của Microsoft. Việc tái cấu trúc quy mô lớn mà Nokia thực hiện trong hai năm qua mang lại cho Microsoft một nền móng ổn định để tập trung vào phát triển di động. Tuy Windows Phone đã vượt BlackBerry để chiếm vị trí thứ ba nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với Apple và Google/Samsung. Do đó, không nên đánh giá thấp trong việc hội nhập hai doanh nghiệp này, đặc biệt là vào thời điểm Microsoft đứng giữa quá trình tái cấu trúc lớn nhất tại công ty.
Mua lại bộ phận dịch vụ và thiết bị của Nokia sẽ định hình lại mảng kinh doanh của Microsoft. Ngoài Xbox, gần đây công ty cũng đã phát hành máy tính bảng. Giống như Apple, giờ đây công ty sẽ phải kiểm soát cả phần cứng và phần mềm trên các thiết bị di động. Họ đang đi theo chiến lược “dịch vụ và thiết bị tích hợp”.
Thị trường thiết bị cầm tay đang trở nên thông dụng hơn. Phần mềm, ứng dựng được cung cấp qua mạng và smartphone sẽ trở thành cánh cửa đưa đi đến dịch vụ “đám mây”.
Các nhà sản xuất thiết bị cầm tay không có nền tảng phần mềm phù hợp với đám mây sẽ phải “chịu trận” và Nokia phải từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại của họ. BlackBerry có thể sẽ là cái tên tiếp theo phải từ bỏ mảng di động.
Ý kiến bạn đọc