9 sản phẩm của Apple sinh ra từ các thương vụ thâu tóm

18:44, 03/09/2013
|

(VnMedia) - Apple là một trong những công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp công nghệ. Để đạt được thành công như hiện nay, "quả táo khuyét" không chỉ có trong tay những nhân viên giỏi nhất trên thế giới mà còn nhờ vào những đóng góp không nhỏ từ những thương vụ thâu tóm.

 

Dưới đây là danh sách những sản phẩm Apple sinh ra từ các thương vụ mua bán.

 

Màn hình cảm ứng đa điểm

 

 Ảnh minh họa

FingerWorks là dự án được sáng lập ra bởi một nhóm tiến sĩ tại trường Đại học Delaware , nó tập trung vào phát triển rất nhiều thiết bị như bàn phím cảm ứng đa điểm TouchStream. Mặc dù những sản phẩm của FingerWorks không đạt được thành công vang dội nhưng chúng đủ để thu hút được sự chú ý của Apple. Vào năm 2005, Apple đã thâu tóm công ty này đồng thời chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh của nó.

 

Hai năm sau, iPhone ra đời và tận dụng tối đa công nghệ cảm ứng đa điểm. Mặc dù Apple đã nghiên cứu rất nhiều về các thiết bị cảm ứng đa điểm trước thương vụ thâu tóm này, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò to lớn của FingerWorks trong việc biến những màn hình đa điểm trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghiệp di động.

 

App Store Genius

 

Chomp được thành lập năm 2009 và hoạt động như một cỗ máy tìm kiếm dành cho các ứng dụng iOS và Android. Công cụ tìm kiếm này có thể hoạt động trên cả web hoặc dưới hình thức là một ứng dụng và cho phép người dùng khám phá các ứng dụng mới và liên quan dễ dàng hơn so với những cỗ máy tìm kiếm gốc của Apple hay Google.

 

 Ảnh minh họa

Chomp thu hút được đến hàng triệu USD vốn đầu tư và thậm chí được hợp tác với Verizon để xây dựng hệ thống ứng dụng dịch vụ riêng cho nhà mạng này. Mặc dù gặt hái được thành công như vậy, nhưng Apple vẫn chớp đúng thời cơ để mua lại Chomp vào năm 2012 với mức giá vào khoảng 50 triệu USD. Về sau, tính năng App Store Genius trong iOS được dựng lên chính là kết quả của công nghệ cốt lõi từ Chomp.

 

SoC tùy biến

 

Năm 2010, Apple đã trình làng iPad đầu tiên. Bên trong nó là một vi xử lý SoC tùy biến mạnh mẽ có tên A4. Sau đó, rất nhiều dòng vi xử lý kế nhiệm A4 đã ra đời như A5, A5X, A6,A6X và sắp tới đây là A7 cho iPhone 5S. Tất cả những dòng chip vô cùng mạnh mẽ đó nhiều khả năng sẽ không ra đời nếu như Apple không thâu tóm rất nhiều các chủ sở hữu công nghệ có liên quan. Năm 2008, Apple mua lại P.A.Semi với 280 triệu USD, Intrinsity vào năm 2010 với 121 triệu USD và Passif Semiconductor vào đầu năm nay, tuy nhiên mức giá không được công bố.

 

Apple Maps

 

Năm ngoái, khi hợp đồng giữa Apple và Google hết hạn, “nhà táo” đã quyết định xây dựng giải pháp riêng cho mình.Lúc bấy giờ, Apple Maps là kết quả của một vài thương vụ thâu tóm như Placebase vào tháng Bảy năm 2009, Poly9 vào tháng Bảy năm 2010 và công ty bản dồ 3D C3 Technologies vào tháng Tám năm 2011.

 

 Ảnh minh họa

Tất cả những vụ mua lại này là kết quả của sự hợp tác cùng các công ty như TomTom đã lần đầu tiên khai sinh ra dịch vụ bản đồ của riêng Apple vào năm 2012. Tuy nhiên, sản phẩm Apple Maps đã không thành công như mong đợinhưng Apple vẫn không ngừng nỗ lực. Thậm chí, Apple còn đang hứa hẹn một dịch vụ mạnh mẽ hơn sẽ xuất hiện trên iOS 7 với hàng loạt động thái mua lại các công nghệ liên quan trong năm nay như WiFiSlam vào tháng Ba, Locationary cùng HopStop.com vào tháng 7 và mới đây nhất là Embark.

 

Công nghệ chụp hình HDR

 

Apple lần đầu tiên giới thiệu khả năng chụp hình HDR có trên iPhone 4 cùng với sự ra đời của iOS 4. HDR là một chế độ chụp phổ biến trên các smartphone, nó giúp cho bức ảnh được cân bằng độ sáng ở các vùng sáng tối khác nhau. Để cải tiến công nghệ này, Apple đã mua lại một công ty Anh Quốc có tên IMSense với một khoản tiền được giữ kín vào tháng 9 năm 2010.

 

Nhận diện khuôn mặt

 

 Ảnh minh họa

Khuôn mặt là phần quan trọng nhất của những bức ảnh chân dung. Vì vậy, tìm và xác định khuôn mặt cũng rất quan trọng trong một phần mềm chụp ảnh.Apple đã làm tốt điều này với ứng dụng iPhoto. iPhoto có khả năng tự động tìm kiếm khuôn mặt và đoán ai là ai trong những bức ảnh dựa vào các dữ liệu đầu vào trước đó. Trên iOS, ứng dụng cameranày cũng có được khả năng tự nhận diện khuôn mặt này.Một phần khả năng nhận diện khuôn mặt khá tốt trên iOS đến từ công ty Thụy Điển có tên Polar Rose mà Apple mua lại năm 2010.

 

iTunes

 

 Ảnh minh họa

Lala.com được ra mắt vào năm 2006 và rất nhiều tính năng nghe nhạc xã hội. Người dùng sẽ có thể nghe nhạc, chia sẻ cùng bạn bè và thậm chí là tạo ra các danh sách phát trực tuyến. Apple nhận thấy tiềm năng của nó và quyết định mua lại dự án vào tháng 12 năm 2009. Sau thương vụ này, Apple đã giới thiệu những tính năng mới cho iTunes như web preview, điện toán đám mây cho iTunes hay iTunes Radio.

 

Siri
 

 Ảnh minh họa

Siri không phải là một tính năng gốc của iOS. Ban đầu, nó là một ứng dụng bên thứ ba độc lập trên iOS và đội phát triển ứng dụng này còn lên kế hoạch để mang công nghệ của mình sang nhiều nền tảng điều hành khác nữa. Ngay lập tức, Apple chú ý đến công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên ấn tượng của ứng dụng này và mua lại nó vào năm 2010. Một năm sau, iPhone 4S đã sẵn sàng ra đời với Siri được tích hợp và trở thành một trong điểm giúpiPhone 4S bán chạy.

 

Công nghệ quét vân tay

 

AuthenTec, một công ty chuyên cung cấp phần mềm và phần cứng liên quan đến giải pháp an ninh hàng đầu, đã bị Apple mua lại vào tháng 7 năm 2012. Mặc dù đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thiết bị nào của Apple thể hiện kết quả của phi vụ này, nhiều khả năng thế hệ tiếp theo của iPhone sẽ được trang bị một bộ quét dấu vân tay tích hợp. Nếu điều này là sự thực thì chắc chắn iPhone sẽ trở thành chiếc smartphone có bộ bảo mật tốt nhất trên thị trường.


Thúy Nga - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc