Truyền hình trả tiền: dịch vụ của nhà giàu?

13:06, 04/07/2011
|

(VnMedia) - Cuộc cạnh tranh giành thị phần trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền được đánh giá đang ngày một nóng bỏng. Tuy nhiên, quan tâm tới các thị trường màu mỡ, dường như các nhà cung cấp đang bỏ ngỏ khá nhiều mảnh đất khác trong đó có nông thôn.

Nhắc tới dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) là người ta nghĩ tới truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền hình, trong số 86 triệu dân Việt Nam tương đương với khoảng 20 triệu hộ gia đình thì chỉ có 2,5 triệu hộ gia đình đã và đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, chiếm khoảng 12%. Hầu hết số hộ gia đình dùng dịch vụ THTT sống ở các đô thị lớn, trung tâm các tỉnh thành phố.

Đây được cho là một bất cập lớn khi 80% dân sống ở nông thôn lại khó tiếp cận với dịch vụ truyền hình chất lượng cao. Lý do chính khiến thị trường THTT ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có mật độ dân cư thưa bị "bỏ ngỏ" mặc dù người dân nơi đây có rất ít dịch vụ giải trí để thụ hưởng đó là giá cả.

Truyền hình vệ tinh: “Chát” giá!

Hầu hết những ai được hỏi đều nói rằng truyền hình vệ tinh là loại truyền hình chỉ dành cho đại gia bởi giá dịch vụ rất cao. Truyền hình vệ tinh được xem là có khả năng phổ cập dịch vụ dễ dàng nhất, có thể nhanh chóng xóa các "vùng lõm" sóng truyền hình ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, nơi chưa có tín hiệu truyền hình mặt đất.

Hiện có 4 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh (DTH) là: VTC, K+, VTV và Truyền hình Bình Dương. Khi mới khai trương dịch vụ, các nhà đài thường quảng cáo là dịch vụ dành cho vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, song thực tế với mức chi phí lắp đặt ban đầu tối thiểu từ 2 triệu cho đến 5 triệu đồng, cộng với phí gia hạn thuê bao hàng năm lên tới vài triệu đồng thì ngay cả hộ có mức thu nhập trung bình ở thành phố cũng phải cân nhắc khi sử dụng dịch vụ huống hồ là những hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vốn dĩ xưa nay vẫn là những vùng có thu nhập thấp.

Có mức giá "khủng" nhất trên thị trường THTT hiện nay là dịch vụ của K+. Mặc dù đã được giảm giá tới 30% kể từ 31/5/2011, nhưng xem ra vẫn còn khá cao so với các nhà cung cấp khác, đặc biệt là cao hơn nhiều so với dịch vụ truyền hình cáp.

Ví dụ, gói HD+ (gồm 72 kênh SD + 8 kênh HD) khách hàng đăng ký mới cần mua một bộ thiết bị HD và tối thiểu trả thuê bao 3 tháng là 4.390.000 đồng, nếu đóng 6 tháng là 5.200.000 đồng, 12 tháng là 6.790.000 đồng, sau thời hạn này khách hàng sẽ gia hạn thuê bao 270.000 đồng/tháng. Gói Premium+ (gồm 72 kênh SD) đăng ký mới cả tiền thiết bị và thuê bao 3 tháng là 2.100.000 đồng, gia hạn sử dụng 190.000 đồng/tháng. Gói Access+  (58 kênh) đăng ký mới và 3 tháng thuê bao là 1.830.000 đồng, gia hạn sử dụng là 50.000 đồng/tháng.

Dịch vụ truyền hình số vệ tinh của VTC có mức phí tương đối hợp lý hơn K+ nhưng khách hàng cũng cần đầu tư ban đầu khoảng 5,8 triệu để xem dịch vụ HDTV cho 1 năm đầu tiên, dịch vụ SDTV đầu tư ban đầu 3,1 triệu đồng cho một năm đầu tiên, sau đó gia hạn thuê bao tối thiểu cũng 100.000 đồng/tháng tùy từng gói dịch vụ. VTC đang dẫn đầu cuộc đua về số lượng kênh và độ phong phú của các chương trình. Hiện số kênh của VTC đã vượt hơn con số 100 kênh trong đó có tới 26 kênh truyền hình độ nét cao HDTV.

Truyền hình cáp: Mắc ở chi phí đầu tư lớn

Dịch vụ truyền hình cáp có mức phí hợp lý hơn nhưng chỉ phát triển được ở những nơi đô thị và những nơi tập trung nhiều dân cư. Rẻ nhất trong nhóm dịch vụ truyền hình cáp analog là dịch vụ của CEC (thành viên của VTC) với dịch vụ chỉ 50.000 đồng/tháng, mà khách hàng không phải bỏ phí mua thiết bị ban đầu. Hiện ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM và một số TP khác người dân chỉ cần bỏ ra khoảng 88.000 đồng/tháng là có thể xem được dịch vụ truyền hình cáp analog do VCTV, BTS, SCTV, HCTV cung cấp.

Bên cạnh đó, những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp này đã hoặc đang chuẩn bị cho ra thị trường dịch vụ truyền hình cáp kỹ thuật số độ nét cao theo chuẩn HDTV hay SDTV. Chi phí mua thiết bị giải mã truyền hình cáp kỹ thuật số cũng thấp hơn (chỉ bằng khoảng 70%) so với chi phí mua thiết bị giải mã của truyền hình vệ tinh.

Chẳng hạn với dịch vụ truyền hình cáp kỹ thuật số VTC do CEC cung cấp có mức giá 3,2 triệu cho bộ giải mã truyền hình cáp kỹ thuật số độ nét cao HDTV và 1,6 triệu cho bộ giải mã truyền hình cáp kỹ thuật số chuẩn SDTV. Chi phí thuê bao hàng tháng cũng thấp hơn so với K+.

Nếu xem đủ 106 kênh (bao gồm 26 kênh HD và 80 kênh SD) của CEC thì chi phí thuê bao cũng chỉ lên đến 399.000 đồng/tháng, trong trường hợp khách hàng chọn xem gói HD cơ bản (bao gồm 12 kênh HD và 80 kênh SD) thì chi phí thuê bao cũng chỉ là 99.000 đồng/tháng. Đồng thời với bất kể sự lựa chọn nào thì khách hàng còn được CEC tặng thêm 50 kênh analog cho các tivi còn lại. Trong trường hợp khách hàng chọn các gói kênh yêu thích sẽ chỉ trả phí từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/tháng.

Về chất lượng tín hiệu so với truyền hình vệ tinh thì tín hiệu truyền hình cáp ổn định hơn và không bị tác động bởi thời tiết. Bên cạnh đó công tác chăm sóc khách hàng hay bảo hành bảo trì cũng luôn luôn thuận lợi và linh hoạt hơn so với truyền hình vệ tinh.

Với những phân tích trên đây, quả không “oan” cho lắm khi nói dịch vụ truyền hình cáp hay vệ tinh vẫn chưa phải là kênh cung cấp món ăn tinh thần cho đại đa số người dân Việt hiện nay. Bài toán phổ cập dịch vụ truyền hình trả tiền vẫn đang cần một lời giải hợp lý trong thời gian tới.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc