Những chàng trai khởi nghiệp ở tuổi 40 khát khao đem lại ứng dụng thiết thực cho người Việt

06:18, 17/11/2017
|

(VnMedia) Giành giải cao nhất trong hệ thống sản phẩm Công nghệ thông tin khởi nghiệp của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay, những chàng trai khởi nghiệp ở tuổi ngoài 40 với khát khao mang lại một ứng dụng thiết thực cho người dùng Việt.

Tại Lễ trao giải NTĐV 2017 diễn ra tối ngày 16/11, phóng viên báo điện tử VnMedia đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh Mã Hoàng Hải - Trưởng nhóm “Ứng dụng kết nối dịch vụ Rada”.

- Xin chúc mừng anh và nhóm Rada đã giành giải thưởng cao nhất trong hệ thống sản phẩm CNTT khởi nghiệp năm nay. Anh cảm thấy thế nào về giải thưởng này?

Nói thật là anh em Rada nhìn nhận giải thưởng này như sự công nhận cho những  nỗ lực của chúng tôi suốt thời gian vừa qua.

- Anh có thể bật mí cho độc giả VnMedia biết cơ duyên nào đã đưa nhóm đến với Giải thưởng NTĐV, và trước đó Rada đã tham gia cuộc thi nào khác chưa?

Giải thưởng NTĐV quá nổi tiếng và tôi nghĩ bất cứ nhóm nào cũng mong muốn có dịp tham gia Giải thưởng uy tín và lâu đời như thế này. Qua truyền thông, năm nào bên tôi cũng quan tâm tới giải NTĐV và năm nay khi có thông báo mời tham gia, Rada đã lập tức nộp hồ sơ.

Trước cuộc thi này, Rada chưa chính thức tham gia bất cứ cuộc thi nào khác. Đương nhiên với startup như Rada, chúng tôi cũng tham gia một vài sự kiện trong khuôn khổ các đơn vị khởi nghiệp.

Anh Mã Hoàng Hải trưởng nhóm “Ứng dụng kết nối dịch vụ Rada” chia sẻ với báo chí bên lề Lễ trao giải NTĐV 2017
Anh Mã Hoàng Hải trưởng nhóm “Ứng dụng kết nối dịch vụ Rada” chia sẻ với báo chí bên lề Lễ trao giải NTĐV 2017

- Được biết, nhóm gồm những thành viên có tuổi đời đều thuộc thế hệ 7x –thế hệ được coi là đã trưởng thành và chín chắn, đôi khi mong muốn chọn con đường ổn định và phấn đấu công danh tại một công ty nào đó, vậy anh có thể chia sẻ vì sao các thành viên lại quyết định đi theo con đường khởi nghiệp?

Nhóm chúng tôi dù có tuổi đời khá cao (ngoài 7x) nhưng vẫn khát khao mang lại một ứng dụng thiết thực có giá trị tới người dùng Việt Nam. Đặc biệt, “Rada team” là sự hòa trộn giữa tuổi trẻ và những sáng lập viên có trải nghiệm đa dạng với thị trường. Bên cạnh đó, “Rada team” tuy lớn tuổi nhưng vẫn không ngừng học hỏi và ứng dụng những điều mới mẻ vào công việc hàng ngày, liên tục thay đổi để ngày một tốt hơn, đem lại giá trị cho cộng đồng người sử dụng Việt Nam.

- Qua Giải thưởng này, nhóm cảm thấy đã gặt hái được gì nhiều nhất?

Chúng tôi đánh giá rất cao hội đồng Giám khảo với nhiều ý kiến quý báu và sâu sắc đã góp ý cho mô hình Rada hoàn thiện hơn với môi trường kinh doanh, hạ tầng và thói quen tâm lý của người dùng Việt. Rada học được và đúc rút được nhiều điều bổ ích về các vấn đề sát sườn và thực tiễn để cải thiện và điều chỉnh mô hình nhằm phục vụ tốt hơn người tiêu dùng Việt và xa hơn nữa là cộng đồng Việt Nam.

- Anh đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường đối với Rada?

Tiềm năng thị trường của Rada là rấn lớn. Với thị trường đông dân, mật độ dân cư tập trung tại các thành phố lớn rất cao, nhu cầu sử dụng dịch vụ là rất lớn. Bên cạnh đó, mô hình kết nối dịch vụ gia đình và kèm theo đó là hệ sinh thái dịch vụ gia đình Rada đang xây dựng cũng ngày càng chín muồi hơn tại Việt Nam.

Mục tiêu của Rada là năm 2018 sẽ hiện diện tại 10 thành phố lớn của Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa…Trong tương lai gần, Rada cũng mong muốn vươn ra các nước trong khu vực, Châu Á theo đà phát triển và trưởng thành của Rada.

- Kế hoạch phát triển của Rada trong thời gian tới là gì?

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để mang lại trải nghiệm thân thiện và dễ sử dụng hơn nữa cho người dùng. Bên cạnh đó, nhóm dự định sẽ bổ sung AI để nhận biết nhu cầu mong muốn của khách hàng. Trong tương lai Rada sẽ là nền tảng tổng hợp kết nối tất cả dịch vụ.

Xuất phát từ ý tưởng muốn kết nối các dịch vụ theo yêu cầu, hướng tới các dịch vụ khách hàng có nhu cầu để cung cấp tận nơi với giá rẻ hơn 1/3 so với thị trường, trong hai năm qua, nhóm startup Rada đã không ngừng phát triển sản phẩm này và đã tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Ra đời từ tháng 11/2015, ban đầu dịch vụ này chỉ kết nối người sử dụng xe máy đến các cửa hàng sửa xe, các trung tâm cứu hộ nhưng một thời gian sau, tiếp tục được mở rộng thành ứng dụng kết nối dịch vụ theo yêu cầu hướng tới các dịch vụ mà khách hàng có nhu cầu được cung cấp tận nơi, gồm 10 nhóm dịch vụ -  xây dựng sửa chữa, tư vấn, tin học, giúp việc, vận chuyển, chăm sóc sức khỏe...

Đến nay, ứng dụng Rada đã có hơn 100 phiên bản được cập nhật, thay đổi theo thực tế của thị trường và được cộng đồng đánh giá cao về tính ứng dụng. Theo thống kê của Rada, sau 2 năm triển khai thực tế, ứng dụng đã có trên 900 nhà cung cấp là doanh nghiệp và 2.000 thợ sửa chữa trên toàn bộ hệ thống tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, với hơn 200.000 lượt tải về trên iOS, Android, 50.000 tài khoản được kích hoạt, 22.000 lượt dịch vụ được kết nối thành công hàng tháng. Các con số này vẫn tiếp tục tăng trưởng hàng ngày.

Với sự phát triển ấn tượng và tiền năng tăng trưởng tốt, năm ngoái startup Rada đã nhận được gói hỗ trợ trị giá 40.000USD (tương đương gần 1 tỷ đồng) từ chương trình FBStart của Facebook. Rada cũng đã gọi vốn thành công vòng Angel được 150.000USD (tương đương khoảng 3,4 tỷ đồng), và hiện đang tiếp tục gọi vốn bổ sung vòng Seed/SerieA để mở rộng hoạt động.

Tuệ Minh


Ý kiến bạn đọc