Kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo giúp tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho đất nước

13:59, 17/11/2017
|

(VnMedia) - Từ năm 2009 đến nay, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã góp phần tôn vinh nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam, những tấm gương sáng về sự cống hiến và hy sinh vì khoa học. Năm nay, Hội đồng Khoa học của Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Vifotec đã giới thiệu tới Giải thưởng những nhà khoa học xuất sắc, có công trình nghiên cứu đem lại nhiều lợi ích cho xã hội trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ.

Với tính thực tiễn cao, góp phần đảm bảo Quốc phòng - An ninh, tạo ra được sản phẩm mới có chất lượng tốt đủ điều kiện để sử dụng quan sát phát hiện mục tiêu trong đêm tối cho các lực lượng biên phòng tuần tra biên giới hoặc cho bộ đội canh gác bảo vệ ở khu vực biển đảo, công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo" của nhóm tác giả KS Đoàn Ngọc Hiệp, KS Nguyễn Văn Thắng đến từ Xí nghiệp 23, Nhà máy Z199, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã vinh dự được nhận giải Khoa học Công nghệ của giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017.

Giải pháp thiết kế đã được chế thử thành công và đã được sản xuất loạt để trang cho một số đơn vị làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, biển, đảo. Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của quân đội trang bị cho Hải quân, Biên phòng. Kết quả cho thấy giải pháp này có thế áp dụng cho sản xuất loạt lớn trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; Ông Đào Mạnh Kháng - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ABBank lên trao giải thưởng trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ. (Ảnh: Việt Hưng)
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; Ông Đào Mạnh Kháng - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ABBank lên trao giải thưởng trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ. (Ảnh: Việt Hưng)

Nhân dịp này, Phóng viên Báo điện tử VnMedia đã có buổi phỏng vấn tác giả Đoàn Ngọc Hiệp, người vừa giành Giải thưởng lĩnh vực Khoa học Công nghệ của Nhân tài Đất Việt năm 2017 về quá trình đưa công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo" tham dự Nhân tài Đất Việt 2017 cũng như để hiểu thêm về sản phẩm và những khó khăn thách thức mà các tác giả đã trải qua trong quá trình xây dựng và triển khai công trình.

- Anh có thể chia sẻ xuất phát từ đâu mà nhóm lại có ý tưởng tạo ra sản phẩm này?

Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 được đồng tổ chức bởi Báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media là đơn vị bảo trợ thông tin cho Giải thưởng.

KS Đoàn Ngọc Hiệp: Xuất phát từ quá trình đi thực tế huấn luyện cùng với bộ đội, tại các khu vực biên giới, hải đảo,  khả năng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện đêm tối gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong việc phát hiện đột nhập từ xa, các loại khí tài, nhất là khí tài quang điện tử rất nhanh bị hư hỏng, xuống cấp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trên cơ sở đó nhóm tác giả đã đề xuất với lãnh đạo chỉ huy đơn vị báo cáo Tổng cục Công Nghiệp Quốc phòng cho mở đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế thử kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo”.

- Mục tiêu lớn nhất của nhóm khi phát triển sản phẩm này là gì? Nhóm đã làm gì để hiện thực hóa mục tiêu đó?

KS Đoàn Ngọc Hiệp: Mục tiêu của đề tài là thiết kế, xây dựng bộ tài liệu thiết kế (bản vẽ sản phẩm, điều kiện kỹ thuật nghiệm thu, thuyết minh kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng), chế tạo được sản phẩm kính quan sát đêm theo nguyên lý khuếch đại ánh sáng mờ có tầm quan sát xa (với mục tiêu người phát hiện lên tới 3km trong điều kiện ánh sáng yếu ban đêm), có khả năng chịu đựng được môi trường khắc nghiệt của biển, đảo. Sau khi được Thủ trưởng đồng ý và có nguồn kinh phí cho nghiên cứu, nhóm thực hiện đã lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ theo chuyên môn cho các đồng chí trong nhóm. Tiến hành thiết kế, chế tạo thực nghiệm nhằm đạt các mục tiêu đề ra.

- Sản phẩm của nhóm có gì khác biệt?

KS Đoàn Ngọc Hiệp: Đây là sản phẩm mang đặc thù riêng của ngành kỹ thuật quân sự trong lĩnh vực quang-điện tử. Nhiều kỹ thuật và công nghệ mới được áp dụng mà trước đây ở lĩnh vực này chưa có ai thực hiện. Sản phẩm của nhóm có công nghệ tiên tiến, hoàn toàn được nội địa hóa không phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.

- Anh có thể cho biết hiệu quả kinh tế của công trình và sản phẩm?

KS Đoàn Ngọc Hiệp: Đối với 01 bộ tài liệu thiết kế theo tiêu chuẩn quân sự bao gồm bản vẽ sản phẩm, điều kiện kỹ thuật nghiệm thu, thuyết minh kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng, tài liệu công nghệ v.v... nếu mua từ nước ngoài sẽ tiêu tốn cỡ 250.000 USD (trên 5 tỷ đồng). Với sản phẩm, giá nhập ngoại một sản phẩm tương đương khoảng 350 triệu đồng, còn giá của một sản phẩm chế tạo trong nước khi sản xuất loạt khoảng 220 triệu đồng, như vậy tiết kiệm được 130 triệu đồng/1 sản phẩm khi chế tạo trong nước. Tính cho 2.000 sản phẩm thì chi phí tiết kiệm được là 260 tỷ đồng.

Ngoài ra, công trình còn giúp tự chủ, giảm chi phí sửa chữa và bảo trì sản phẩm. Nếu sản phẩm mua của nước ngoài sau một thời gian sử dụng bị hỏng hóc phải gửi ra nước ngoài sửa chữa, chi phí cho sửa chữa rất lớn khoảng 30% đến 40% giá mua và không tự chủ được vì phải phụ thuộc đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó,  việc triển khai công trình còn giúp tạo việc làm cho người lao động tại Xí nghiệp 23/Z199 và một số đơn vị cung cấp linh kiện, bán thành phẩm (như nhà máy Z181 cung cấp ống khuếch đại ánh sáng...).

Tác giả Đoàn Ngọc Hiệp
Tác giả Đoàn Ngọc Hiệp (Ảnh: Lê Hường)

- Được biết đây là sản phẩm “Made in Vietnam”, vậy bạn có thể cho biết nhóm đã mất bao nhiêu thời gian để thực hiện và trong quá trình chế tạo thì đâu là khó khăn lớn nhất?

KS Đoàn Ngọc Hiệp: Thời gian từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thiện sản phẩm, nghiệm thu đưa vào ứng dụng mất khoảng 2 năm. Quá trình nghiên cứu gặp không ít khó khăn, có thể nói việc đề xuất và nhận thực hiện một đề tài có ứng dụng các kỹ thuật cao và trong nước chưa có đơn vị nào thực hiện là một việc làm hết sức mạnh dạn của tác giả khi đó còn là kỹ sư trẻ (quân hàm thượng úy). Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo chỉ huy đơn vị nhóm thực hiện đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đã làm chủ từ thiết kế đến công nghệ chế tạo kính quan sát đêm tầm xa trên cơ sở dây chuyền thiết bị và vật tư ở trong nước.

Tuy nhiên quá trình nghiên cứu gặp không ít khó khăn ở một số khâu đặc biệt là lần đầu tiên thiết kế kính quan sát đêm có độ phóng đại lớn, công nghệ mạ màng mỏng quang học trong chân không cao, công nghệ gia công chế tạo thấu kính, gương có độ chính xác cao có đường kính lớn, công nghệ chống mốc và đánh giá chịu tác động khốc liệt của môi trường. Có những lúc tưởng chừng thất bại phải dừng lại để nghiệm thu khối lượng nhưng bằng sự quyết tâm của nhóm thực hiện cũng như của lãnh đạo đơn vị nhóm thực hiện đã phải tiến hành tính toán nghiên cứu và thực nghiệm nhiều lần để tìm ra quy luật, từ đó tiến hành xây dựng quy trình công nghệ cho chế tạo. Với một sản phẩm tích hợp rất nhiều công nghệ: công nghệ gia công cơ khí chính xác, công nghệ quang học, điện tử, màng mỏng, hóa chất v.v…. nên nhóm nghiên cứu đã phải tổ chức phát huy được sức mạnh của đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghệ tại đơn vị.

- Sau thành công này tại Nhân tài Đất Việt 2017, nhóm có kế hoạch phát triển sản phẩm tiếp theo không?

KS Đoàn Ngọc Hiệp: Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm quang - điện tử phục vụ cho quân đội, tập trung sâu vào lĩnh vực khí tài nhìn đêm theo hướng hiện đại, gọn nhẹ và tích hợp.

Xin cảm ơn anh! Chúc mừng anh và nhóm tác giả đã giành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017. Chúc anh và cả nhóm sớm có thêm những công trình nghiên cứu khoa học mới trong thời gian tới.

Lê Hường
 


Ý kiến bạn đọc