Giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2017: Đã có những khó khăn tưởng như không thể đi tiếp!

08:57, 17/11/2017
|

(VnMedia) - Sử dụng những công nghệ mới để giải quyết một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong đào tạo ngành Y dược, Phần mềm mô phỏng thực tại ảo 3D cơ thể người của nhóm tác giả trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã xuất sắc đạt giải Nhất duy nhất của lĩnh vực CNTT - Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017.

Ngay sau Lễ trao giải, phóng viên báo điện tử VnMedia đã có cuộc phỏng vấn anh Lê Văn Chung - đại diện nhóm tác giả.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng trao giải Nhất duy nhất trong lĩnh vực CNTT cho nhóm tác giả.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng trao giải Nhất duy nhất trong lĩnh vực CNTT cho nhóm tác giả.

- Nhóm đã ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng ra một sản phẩm vô cùng có ý nghĩa với việc giảng dạy bộ môn giải phẫu học, anh có thể cho biết từ đâu nhóm có ý tưởng phát triển sản phẩm này?

Anh Lê Văn Chung: Xuất phát từ phản ánh của dư luận về việc các trường ĐH, Cao đẳng đua nhau mở ngành Y, Dược, Điều dưỡng trong khi cơ sở vật chất của đơn vị đó không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập.

Một trong những yêu cầu cần thiết khi đào tạo là xác người để học môn giải phẫu. Đây là môn học quan trọng nhất và xuyên suốt trong quá trình học. Các trường thường chữa cháy bằng cách cho sinh viên học trên tranh ảnh, các phần mềm không có bản quyền hoặc mô hình nhựa plastic dẫn đến quá tải phòng thực hành và thiếu trực quan. 

Trong một lần có dịp tham quan trường ĐH Y Dược, tôi đã được chứng kiến các xác người được ngâm trong bể formol khô quắt, các chi tiết bị biến dạng do mổ thực hành quá nhiều, rất khó quan sát. Bên cạnh đó quy trình bảo quản lại cực kỳ phức tạp. 

Với những việc "mắt thấy tai nghe" như thế, nhóm đã nảy ra ý nghĩ tại sao không mô phỏng thực tại ảo cơ thể người để có thể giúp cho sinh viên, học sinh nghiên cứu? Thậm chí có thể mô phỏng các hệ cơ quan trong cơ thể cử động như thật... Với ý tưởng ban đầu làm mô phỏng cho hệ xương và hệ cơ đến nay nhóm đã phát triển toàn bộ các phần trong cơ thể đồng thời giả lập các hệ cử động của các cơ quan. 

Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 được đồng tổ chức bởi Báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media là đơn vị bảo trợ thông tin cho Giải thưởng.

- Xin anh cho biết hiện nay phần mềm này đã được áp dụng trong thực tế hay chưa? Ưu điểm nổi bật của nó là gì?

Anh Lê Văn Chung: Sản phẩm hiện đã được đưa vào phục vụ công tác giảng dạy cho sinh viên khoa Y, Dược, Điều dưỡng ở ĐH Duy Tân và phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng sử dụng để tư vấn cho bệnh nhân, tập huấn nâng cao tay nghề cho các bác sỹ.

Ưu điểm nổi bật phải kể tới của phần mềm chính là: Các nội dung, chi tiết về cơ thể người mang đặc trưng riêng của người Việt, chi tiết hình ảnh 3D chất lượng, đẹp như thật. Dữ liệu đầy đủ và chi tiết với gần 4.000 mô hình và 30.000 bảng ghi dữ liệu.

Ngôn ngữ thể hiện bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, giúp sinh viên hiểu và lĩnh hội đầy đủ các nội dung. Phần mềm chạy được trên đa hệ điều hành (iOS, Androi, Desktop), tương thích với đa thiết bị hỗ trợ 3D và đồng bộ với mọi kính VR/AR, dễ dàng triển khai và mở rộng tính năng mới, người dạy có thể tùy biến nội dung bài giảng...

- Được biết nhóm đã phát triển sản phẩm trong vòng 5 năm - một thời gian rất dài. Xin anh chia sẻ về một vài khó khăn/kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quá trình đó?

Anh Lê Văn Chung: Trong quá trình phát triển dự án nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn vất vả, có những lúc tưởng không thể tiếp tục. Trong số đó phải kể tới hai yếu tố khó khăn nhất chính là kiến thức về y học và cộng sự làm việc. 

Tìm người làm kỹ thuật lập trình mô phỏng đã khó, người chuyên ngành Công nghệ thông tin làm về y học thì lại còn khó và hiếm hơn bội phần. Đây là môn học liên quan đến sinh mạng con người, nếu không chính xác, không có sự thẩm định của các giáo sư đầu ngành có uy tín về giải phẫu thì sẽ không được đưa vào sử dụng.

Vì vậy, cả nhóm phải đăng ký theo học các lớp về giải phẫu học để biết cơ bản về nó. Đồng thời mời các giáo sư đầu ngành về giải phẫu để thẩm định sự đúng đắn của sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng không dễ dàng bởi không ai tin mình có thể làm được phần mềm này. Mới đầu họ đều từ chối. Sau nhiều lần thuyết phục và cố gắng chứng minh năng lực, nhóm cũng đã mời được một số giáo sư hợp tác. 

Việc làm xong lại bỏ đi làm lại từ đầu diễn ra liên tục vì nhiều nội dung không được các giáo sư thông qua. Nhóm ở Đà Nẵng nhưng hầu như tháng nào cũng phải đi Huế và Hà Nội để gặp các giáo sư, kiểm tra và thẩm định về dữ liệu của từng chi tiết trên cơ thể. 

Một khó khăn nữa cũng phải kể đến là nhân sự thực hiện dự án. Do dự án quá lớn và kéo dài, lại phải chỉnh sửa nhiều lần do đó một số cộng sự đã được đào tạo về giải phẫu đã nản chí và rời nhóm. Việc tuyển người mới vào lại phải đào tạo lại, mất rất nhiều thời gian và công sức.

- Đạt giải cao nhất trong cuộc thi, nhóm dự định sẽ làm gì tiếp theo?

Anh Lê Văn Chung: Tham gia cuộc thi, nhóm rất kỳ vọng sẽ đạt thứ hạng cao để nhiều người biết đến sản phẩm, đưa vào ứng dụng, đem lại hiệu quả trong hoạt động giảng dạy ngành Y dược và may mắn là mong muốn đó đã trở thành hiện thực.

Nhóm cũng mong muốn đây sẽ là bệ phóng giúp nhóm tìm được các nhà đầu tư để có kinh phí tiếp tục phát triển mở rộng sự án vì dự án mở ra rất nhiều rất nhiều hướng phát triển có giá trị cao trong lĩnh vực y tế cũng như trong đào tạo.

Với những gì đã có, sản phẩm sẽ là nền tảng để phát triển các dự án về mô phỏng y khoa, tiến tới thực hiện ứng dụng công nghệ khám chữa bệnh từ xa.

Xin cảm ơn anh. Một lần nữa xin chúc mừng anh và nhóm đã giành Giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017. Chúc nhóm tiếp tục gặt hái thêm những thành công mới trong thời gian tới!

Hoàng Vũ (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc