(VnMedia) - Mỹ thuật đa phương tiện chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế xây dựng những ứng dụng đa phương tiện ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Là sự giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật, mỹ thuật đa phương tiện là một xu hướng mới nhất để hỗ trợ những người đam mê công nghệ, yêu thích và làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo. Và bảng vẽ điện tử - một sự kết hợp giữa khoa học công nghệ và nghệ thuật thẩm mỹ chính là “vũ khí” đắc lực giúp cho sự sáng tạo được thăng hoa không giới hạn.
Tại hội thảo công nghệ “Trình diễn Công nghệ sáng tạo không giới hạn với Huion” do trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia và công ty TNHH Đầu tư & Phát triển công nghệ Tứ Gia phối hợp tổ chức, thu hút sự góp mặt của hơn 200 bạn trẻ đang theo đuổi ngành học liên quan tới công nghệ thiết kế tại Hà Nội đã thực sự là cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận một góc nhìn mới về công nghệ và kỹ năng sử dụng công nghệ trong ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Bảng vẽ điện tử là thiết bị ngoại vi mô phỏng thao tác vẽ trên giấy và thay thế cho chuột máy tính, hỗ trợ đắc lực cho nhà thiết kế, họa sĩ truyện tranh, nhiếp ảnh gia hay những người thường xuyên làm công việc chỉnh sửa tranh ảnh, làm đồ họa. Đối với các họa sĩ, thay vì phải vẽ trên các thiết bị thủ công như giấy, bút, cọ, hoặc nhà thiết kế tốn nhiều thời gian để dùng chuột vẽ trên máy tính thì bạn chỉ cần có một bảng vẽ cảm ứng. Chỉ với một cây bút cảm ứng trên tay, bạn sẽ thoải mái vẽ hoặc chỉnh sửa hình ảnh trên bảng vẽ cảm ứng một cách dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều.
Việc tái tạo vật thể thực thành mô hình 3D có tính ứng dụng cao, có thể sử dụng trong nhiều ngành như: làm khuôn đúc trong thủ công mỹ nghệ, tạo hình vật thể trong phim ảnh, tái tạo các bộ phận cơ thể trong y tế, tạo bản sao các hiện vật trong các viện bảo tàng... Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp dựng hình thông thường để tái tạo vật thể thực trong các phần mềm 3D như autodesk 3DS Max hay autodesk Maya sẽ làm mất rất nhiều thời gian và công sức. Dựng hình 3D từ các bức ảnh chụp vật thể chính là phương pháp giúp giải quyết những vướng mắc trên. Phương pháp này có thể tiết kiệm thời gian dựng hình xuống còn chưa đầy 30 phút cho một vật thể, giúp giảm đáng kể chi phí, làm tăng năng suất và cho ra kết quả chính xác với độ chi tiết cao.
Mang đến một góc nhìn mới cho các bạn trẻ, thầy Trần Anh Khoa, Giảng viên kỳ 3D Animation tại Arena Multimedia đã trực tiếp trình diễn nghệ thuật tái tạo mô hình 3D từ hình ảnh chú Robot Bumblebee bằng nhựa. Công việc tái tạo mô hình 3D khó nhằn đã được thầy Trần Anh Khoa thực hiện nhanh với những thao tác mà bất cứ 3D Artis có “máu với nghề” đều có thể làm được. Nhờ áp dụng công nghệ thiết kế và các công cụ sáng tạo (bảng vẽ điện tử và phần mềm đồ họa), hình ảnh 3D thay vì mất rất nhiều thời gian thì được tái tạo lại trong vòng 30 phút.
Cũng có nhiều luồng ý kiến cho rằng, những tác phẩm làm ra từ công nghệ sẽ không truyền đạt được cái hồn vốn có. Nhưng trên thực tế, phần lớn các nhân vật hoạt hình 3D trên game, phim điện ảnh được tạo dựng bằng bảng vẽ điện tử đều có những hiệu ứng, biểu cảm cực tốt. Nhân vật Brian trong bộ phim “Fast & Furious 7” chính là minh chứng sinh động nhất. Sau sáu tháng gián đoạn (do diễn viên Paul Walker đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông), đoàn phim quyết định tái tạo Paul Walker bằng công nghệ vi tính.
Trong chương trình, diễn giả KC Leong (đến từ Singgapore) đã chia sẻ những thông tin công nghệ mới nhất về bảng vẽ điện tử Huion cũng như ứng dụng của nó trong ngành công nghiệp sáng tạo. Tại Hội thảo, hàng trăm bạn trẻ đến tham dự sự kiện còn được tận tay trải nghiệm các bảng vẽ điện tử Huion hiện đại và nhận được các phần quả hấp dẫn của chương trình như: bảng vẽ điện tử Huion h610; Huion h608; Huion h420; bộ loa creative a 1202.1… Hội thảo thực sự là cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận một góc nhìn mới về công nghệ và kỹ năng sử dụng công nghệ trong ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc