2015: Một năm đầy khó khăn với Lenovo

09:32, 14/12/2015
|

Mọi thứ không hề dễ dàng cho các nhà sản xuất PC trong năm nay, nhất là với Lenovo. Mặc dù vẫn giữ vị trí quán quân trong lĩnh vực PC, nhưng Lenovo cũng hứng không ít búa rìu dư luận.

Ngay từ tháng 2/2015, Lenovo đã đối mặt với làn sóng chì trích quanh scandal cài phần mềm theo dõi trên một số dòng máy tính. Đó là phần mềm quảng cáo (adware) Superfish, được cài đặt sẵn với khả năng phá vỡ kết nối HTTPS bảo mật trên trình duyệt rồi chèn quảng cáo vào. Hành vi này có thể khiến người dùng “phơi mình” trước các cuộc tấn công của tin tặc.

Đến cuối năm, bức tranh cũng không sáng sủa hơn. Tháng 11/2015, Lenovo công bố doanh thu quý thua lỗ lần đầu tiên trong 6 năm qua. Thực tế, nguyên nhân không phải do các sự cố về bảo mật mà do những những thách thức từ thương vụ mua lại Motorola năm 2014. Tháng 8/2015, Lenovo đã sa thải 3.200 nhân viên, chủ yếu đến từ Motorola.

Về tương lai, rõ ràng hãng công nghệ Trung Quốc này vẫn tập trung vào PC. Gần đây, Lenovo đã giới thiệu mẫu thiết bị lai di động ThinkPad P40 Yoga mới và công bố thỏa thuận với Razer, hãng sản xuất phần mềm và phần cứng chơi game, để phát triển loạt PC và laptop cho game thủ. Dù vậy, doanh số PC tiếp tục giảm đã khiến cho mảng kinh doanh này ngày càng khó khăn hơn, và dồn Lenovo vào thế bí.

Tình hình bất lợi đó không chỉ mỗi Lenovo hứng chịu. Tất cả các hãng sản xuất PC, ngoại trừ Apple, đang phải đối mặt với thị phần teo tóp.

Lấy lại niềm tin

Lenovo cần lấy lại niềm tin với các sản phẩm của hãng sau nhiều scandal bảo mật. Mới đầu, Lenovo và công ty viết Superfish tuyên bố phần mềm này không gây ra bất cứ đe dọa an ninh, an toàn nào nhưng chính Microsoft lại xếp Superfish vào danh mục virus cần loại bỏ. Vụ Superfish tạm lắng xuống thì đến tháng 8 vừa qua, Lenovo lại bị cáo buộc tự cài đặt lại phần mềm “vớ vẩn” trên laptop cho dù trước đó đã bị người dùng gỡ bỏ.

Thậm chí, người dùng còn khởi kiện Lenovo vì superfish. Cuối tháng 11 vừa qua, hãng này tung ra bản vá lỗi cho một loạt sản phẩm. Trước đó, công ty bảo mật IOActive đã phát hiện 2 lỗ hổng trong một số sản phẩm máy tính của Lenovo có thể cho phép kẻ tấn công chiếm quyền điều khiển cao nhất.

Tình thế này buộc Lenovo phải thiết lập riêng một đội phản ứng bảo mật. Đội này có nhiệm vụ khắc phục các lỗ hổng ngay sau khi chúng được phát hiện, giống như lỗ hổng bảo mật mới được phát hiện trong ứng dụng Lenovo Solution Center gần đây.

1.JPG
1.JPG

Các hãng PC khác cũng “dính” đòn

Trong khi Lenovo phải nhận không ít chỉ trích về bảo mật thì những hãng đối thủ khác cũng “dính” đòn. Tháng 11 vừa qua, máy tính Dell dính lỗi bảo mật cực kỳ nghiêm trọng với lỗi SSL trong eDellRoot. Lỗi ngày cũng ngang ngửa với Superfish, cho phép thực hiện kiểu tấn công “man-in-the-middle” - nghĩa là hacker chặn giữa người dùng và các máy chủ Internet, thu thập bất kỳ thông tin nào đi qua.

Vừa mới tuần trước, Dell và Toshiba lại bị phát hiện cài cắm sẵn phần mềm hỗ trợ có lỗ hổng trong một loạt sản phẩm máy tính của hãng. “Gần như tất cả các hãng PC lớn đều có sự cố bảo mật, nhưng gần đây không ai trong số họ có hành động kịp thời và đúng đắn”, nhận xét của Morey Haber, phó chủ tịch phụ trách công nghệ của hãng bảo mật dữ liệu BeyondTrust.

“Họ đang khắc phục những lỗ hổng bảo mật này như năm 1995, đó là chỉ cố che giấu và không công bố thông tin chi tiết ra bên ngoài. Lỗ hổng đã trở thành một phần của tiến bộ công nghệ mà những doanh nghiệp như Lenovo buộc phải chung sống”, Morey Haber phân tích.

Năm 2016 không hề dễ chịu

Chúng ta sắp bước sang năm 2016 với những dự báo ngày càng khó khăn hơn cho mảng PC. Tháng 8 vừa qua, IDC dự báo doanh số PC sẽ giảm hơn 8% tới cuối năm và thị trường PC chỉ có thể ổn định vào năm 2017.

Những khó khăn mà Lenovo gặp phải trong năm 2015 là thực trạng chung của cả ngành PC. Trong khi Lenovo cố đảm bảo doanh thu tốt hơn sau những sự cố bảo mật như Superfish thì eDellRoot của Dell được xem là gia vị mới để hãng này nổi hơn.

Tuy vậy, với khách hàng, người dùng và giới bảo mật, những sự cố đó chỉ càng khiến cho họ cảm thấy mất niềm tin. Họ cần một sản phẩm tốt hơn chứ không phải sản phẩm có vấn đề khiến an toàn thông tin cá nhân bị đe dọa.  Những sản phẩm tốt hơn lại thường đắt hơn và các nhà sản xuất PC gốc khó có thể thuyết phục người dùng tại sao họ lại phải bỏ ra từng đó tiền để mua sản phẩm giá cao.

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh không chỉ có màu tối. Gartner dự báo Windows 10 sẽ là động lực giúp cho doanh số PC tăng đáng kể trong năm tới đây. Chúng ta hãy chờ xem sao.


Ý kiến bạn đọc