Google dự đoán tương lai smartphone 5 năm tới

07:52, 13/12/2015
|

(VnMedia) - Giám đốc Google Now, Aparna Chennapragada, chia sẻ về tầm nhìn của Google nói chung và của bà nói riêng về smartphone trong nhiều năm tới.

Smartphone đáp ứng mọi thứ

Có 3 điểm đặc biệt mà bà Chennapregada nhắc tới. Thứ nhất, khi người dùng di chuyển, họ luôn muốn có câu trả lời tức thì mà không muốn mất thời gian lướt trên màn hình điện thoại để tìm thông tin.

Giám đốc Google Now, Aparna Chennapragada chia sẻ tầm nhìn về tương lai smartphone trong 5 năm tới.

Thứ hai, không giống máy tính để bàn, smartphone mang lại luôn kết quả trực tiếp, chẳng hạn chơi nhạc qua Spotify, hoặc gọi taxi qua dịch vụ Uber, chứ không đơn thuần chỉ là tìm kiếm thông tin.

Và cuối cùng, các trợ lý ảo luôn sẵn sàng giúp đỡ người dùng bất cứ lúc nào. Nói cách khác, bạn muốn thông tin tìm thấy bạn chứ không phải bạn tìm thông tin.

Trợ giúp khắp nơi

Trợ lý ảo là một trong những xu hướng công nghệ nóng sốt nhất hiện nay. Google có Google Now, Apple có Siri, Microsoft có Cortana và Facebook có M. Trách nhiệm của các trợ lý này là giúp người dùng tìm ra câu trả lời nhanh nhất và hoàn thành các yêu cầu đưa ra.

Đó chính là những gì mà Google Now đang thực hiện. Nó tự ghi nhớ lộ trình di chuyển của chủ nhân, tổng hợp thông tin họ cần và chủ động tìm kiếm thông tin cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn thông tin thời tiết, kết quả thể thao, tình trạng giao thông, các kế hoạch cá nhân… Các thông tin này sẽ được "bày" sẵn ra mà người dùng không phải tìm kiếm.

Google Now mới chỉ là khởi đầu

Theo lãnh đạo Google, các tính năng hiện nay của Google Now khá đơn giản và mới trong giai đoạn ban đầu. Về lâu về dài, Google Now sẽ đáp ứng mọi thứ người dùng cần tới. Còn hiện tại, nó chỉ có một số chức năng trợ giúp cơ bản, chẳng hạn nhắc địa điểm đỗ xe, tìm kiếm thông tin bằng lệnh thoại…

"Với tôi, các trợ lý ảo vẫn chỉ ở dạng sơ khai, giống như web những năm 90. Cần phải có thời gian để mọi thứ trưởng thành. Với 5 tỉ người sẽ truy cập mạng trong 5 năm tới, đây sẽ là tiềm năng ứng dụng rất lớn, và mọi thứ cần phải thực hiện theo đúng trình tự", Chennapregada nói.

Bức tranh 5 năm tới

"Từ phương diện người dùng, tôi mong muốn hai thứ. Thứ nhất là công nghệ cần phải chuyển đổi hơn nữa. Chẳng hạn, tôi muốn thông tin và đúng thông tin đó tìm tới tôi. Với khoảng 3,5 tỉ người đang dùng điện thoại hiện nay, các thông tin đưa ra cần phải chọn lọc. Nói một cách ngắn gọn, cần có bộ lọc trí tuệ nhân tạo có khả năng tìm đúng thông tin trong mớ hỗn độn mà người dùng không cần nhúng tay vào.

Thứ hai, 'tương lai của thế hệ ứng dụng kế tiếp như thế nào' là câu hỏi khá thú vị. Cá nhân tôi cho rằng ứng dụng sẽ là phương tiện tự tìm tới đích. Lấy ví dụ Spotify, người dùng không cần quan tâm nó đến từ đâu, từ ứng dụng riêng, từ trang web, hay từ tiện ích nhúng trong một ứng dụng nào đó. Chỉ cần nó hoạt động đúng chức năng phát nhạc mà người dùng mong muốn là được", nhận định của Chennapragada.

Tầm nhìn của Chennapragada khá khác biệt so với kế hoạch của Facebook dành cho ứng dụng Messenger, muốn thay thế một lượng lớn ứng dụng bằng các chuỗi trao đổi giữa người dùng và doanh nghiệp trong công cụ tin nhắn, hoặc các giao tiếp xử lý bằng trợ lý ảo M.

Chennapragada không bình luận về kế hoạch của Facebook, và không đồng ý với nhận định cho rằng tương lai của smartphone nằm ở việc loại bỏ các ứng dụng dành cho chúng.

Giới hạn phần cứng

Chennapragada cho rằng phần cứng vẫn là điểm yếu của những chiếc smartphone hiện đại. Bản thân Google cũng đối mặt với nhiều vấn đề khi cung cấp dịch vụ cho hàng tỉ người dùng. Có nhiều biến thể không thể đoán trước phát sinh tùy theo ngữ cảnh sử dụng.

Chẳng hạn, các phần cứng đều rất tuyệt nhưng riêng công nghệ pin lại không theo kịp, và như vậy có sự lệch pha không nhỏ, khiến kết quả đạt được không thể hoàn mĩ.

Google đề cập tới khai niệm "điện toán ngữ cảnh" và cho rằng cần phải có sự đổi mới toàn diện trên nhiều lĩnh vực của smartphone, không chỉ phần cứng mà còn phần mềm, ứng dụng, các tính năng hỗ trợ…

 


Ý kiến bạn đọc