Danh nhân lịch sử lỗi lạc Nguyễn Hy Quang

07:50, 02/09/2013
|

(VnMedia)Cụ Nguyễn Hy Quang - Nhà giáo tài đức có công lao góp phần xây dựng nền thịnh trị của đất nước cuối thế kỷ XVII là một trong những danh nhân lịch sử lỗi lạc.

Cụ Nguyễn Hy Quang (1634-1692) là người đã phụ đạo cho Thái phó Lương Mục Công Trịnh Vịnh, đích tôn của chúa Trịnh Tạc, dạy con Thái phó là Trịnh Bính (Tấn Quang Vương). Trong 18 năm làm việc ở cung đình, ông đã đóng góp nhiều mưu lược lớn cho triều đình. Sau khi mất, ông được phong tước quận công, gia phong Trung đẳng phúc thần, Trực ôn Văn Nhã đại vương.

Ngày 10/8/2008, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và TP Hà Nội đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học về cụ Nguyễn Hy Quang, một người thầy tài đức có công lao góp phần xây dựng nền thịnh trị của đất nước cuối thế kỷ XVII.

Cụ Nguyễn Hy Quang quê ở làng Trung Tự, phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Đó là một làng tươi đẹp ở hai bên đê La Thành, từ sát chùa và đình Kim Liên, một trong Thăng Long tứ trấn, đến giáp 2 phường Thổ Quan và Nam Đồng có di tích Đàn Xã Tắc nổi tiếng gần Ô Chợ Dừa.

Do việc đô thị hóa sau năm 1955, địa bàn xưa của làng nay trở thành một phần của ba phường mới là Phương Liên, Kim Liên và Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Nhưng đình và chùa làng Trung Tự là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng vẫn giữ vững những hoạt động văn hóa truyền thống.

Ông ra đời trong cảnh nghèo khó, bản thân ông cần cù học tập đêm ngày, đặc biệt là rất chú trọng học kỹ các môn thiết thực với việc kinh luân. Năm 23 tuổi ông đỗ giải nguyên, năm 1670, ông đỗ Sĩ Vọng là khoa thi mở ra để không bỏ sót nhân tài. Được bổ làm Giáo thụ phủ Thường Tín, chỉ sau hai năm tiếng đồn về tài năng và tính cương trực cùng lối sống thanh bạch cần cù của ông đã lan xa.

Năm 1673, chúa Tây Vương Trịnh Tạc (1657-1682) cho đặc triệu ông vào phủ làm tân khách giúp rập Thái Phó Lương Mục Công Trịnh Vịnh là đích tôn của Chúa, con trưởng của Thế tử Nguyên soái Điển quốc chính Trịnh Căn. Lúc này theo chế độ các chúa Trịnh, khi con hay cháu có khả năng làm được việc nước thì cho lập phủ riêng để tham dự hoặc nắm chính quyền, Chúa đang chuẩn bị cho đích tôn ra mở phủ. Sau đó ông được giao thêm việc dạy Trịnh Bính, con của Thái Phó.

Trong nhiệm vụ dạy Trịnh Bính, ông nghĩ chuyện dài lâu nên coi trọng dạy những kiến thức và đức tính cần thiết với quản lý đất nước. Khi trò còn ít tuổi, ông dắt lên điện đình, chỉ bảo cặn kẽ.

Năm 1688 Chúa Định Vương Trịnh Căn (1682 - 1709) phong đích tôn Trịnh Bính làm Tấn Quốc Công (sau phong là Tân Quang Vương) cho mở phủ Tiết Chế kiêm Tổng Chính Quyền và ủy cho Tả Thị Lang Nguyết Viết Thứ và ông phụ tá. Nhiệm vụ thật nặng nề nhưng ông đem hết sức làm tròn, tín nhiệm ngày càng tăng. Tuy vậy, với tinh thần tri túc (biết đủ), khi 58 tuổi ông xin nghỉ.

Năm 1692 ông lâm bệnh qua đời. Chúa lệnh nghỉ chầu 3 ngày, sai quan lo việc tang tế và tặng phong ông là Thượng Thư, tước Quận Công. Tiết Chế kiêm Tổng Chính Quyền Trịnh Bính không những đã tận tình chăm sóc thầy khi ốm, nay lại thân soạn văn tế thầy rất chân thành, thiết tha: "Học tất phải có thầy, lễ trước tiên là trọng đạo… Thầy có tài Kinh luận, truyền bảo cho trò. Trò nhờ dạy dỗ mà có kiến thức, vận dụng thực thi, làm lợi nước nhà. Tất cả hoàn toàn là nhờ ơn thầy!... Nhớ thuở học xưa, nghe lời giảng sáng, được đọc sách hay, thương xót khôn cùng!"…

Có thể nghĩ rằng tài trí đức độ và công lao của người thầy phải như thế nào mới để lại trong người học trò cũ nay giữ quyền cao chức trọng bậc nhất trong nước, tình cảm thắm thiết và sự biết ơn sâu sắc như thế, quy các việc làm lợi cho nước đều do công thầy!

Năm mươi năm sau, ông được gia phong làm Phúc Thần Đại Vương với lời đánh giá khá cao: "Sắc... Nguyễn Hy Quang... tài cao bậc lương đống (rường cột triều đình), vật báu như ngọc quý Phan Dư. Trong màn trướng đã bồi giảng nền học thánh hiền. Kịp thời đúng lúc và hết lòng phụ tá, góp nhiều ý hay vào mưu lược quốc gia. Ngày ngày lo nghĩ giúp (triều đình) hoàn thành nền thịnh trị...".

Chắc rằng qua thực tiễn kiểm nghiệm một thời gian dài như thế, việc đánh giá về ông thêm khách quan chính xác. Tra cứu sách sử lại càng hiểu rõ thêm, ví dụ Lịch Triều tạp kỷ (NXB KHXH 1995, tr.59) viết: "Chính sự khoảng niên hiệu Vĩnh Trị và Chính Hòa (1675-1704) đáng gọi vào bậc nhất đời (Lê) Trung Hưng. Kỷ cương thì chấn hưng, thưởng phạt thì nghiêm túc mà công minh, trăm quan kính giữa pháp chế độ, nhân dân được yên nghiệp làm ăn".

Như vậy, Nguyễn Hy Quang thông qua việc dạy học và phụ chính trong gần hai chục năm ấy ở cung đình đã góp một phần đáng trân trọng trong xây dựng nền thịnh trị của đất nước thời đó.

Về sự nghiệp Giáo dục và văn chương, cụ Nguyễn Hy Quang đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm xuất sắc. Chúa Trịnh qua nhiều lần đàm đạo tỏ ý hài lòng về ông và tặng thơ, ông nhân đó soạn dâng Chúa bản "Quân thần luận" mong góp phần chấn chỉnh kỷ cương đất nước và yên dân. Bản "Quân thần luận" đã nêu rõ các đạo lý về quan hệ vua tôi, vấn đề hiểu biết và dùng người, vấn đề yên dân, và đặc biệt là hai vấn đề nóng hổi đương thời: Việc binh và việc hình cần phải thiết thực. Chúa Trịnh Tạc tán thưởng và ban khen, thăng làm Lang trung bộ Lại kiêm tri bộ Hộ. Chúa khen: "Bản Thập Tiệm của Ngụy Trưng cũng không hơn được".

Nguyễn Hy Quang hay làm thơ Chữ Nôm và có soạn sách. Ông để lại cuốn sách “Quốc âm sự dẫn”, được coi là của gia bảo của dòng họ Nguyễn làng Trung Tự. Đặc biệt, bài thơ "Cảm tác" bằng chữ Nôm được sáng tác khi xây xong nhà ngay trước hồ Ba Mẫu ngày nay là một trong những áng thơ Nôm thể lục bát cổ xưa nhất còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay, có niên đại rõ ràng (1674), đã rất hoàn chỉnh, văn từ mượt mà. Bài thơ là một đóng góp quan trọng cho văn học nước nhà của Nguyễn Hy Quang trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của thể thơ lục bát. Bài thơ đó như sau:

Bốn bề cây cối lơ thơ

Thung thăng con cá vật vờ đàn ong

Ngẫm thay người thật khách song

Nhân tri kinh phật sinh không có lời

Đồng lần vật đổi sao rời

Một nền trải mấy muơi đời dân gia

Tới ta rằng của riêng ta

Nào trăm năm trước ắt là của ai

Làm chi cho vẩn lòng người

Của đời ắt để cho đời phân minh

Điều đáng quý nữa là tinh thần yêu nước, hiếu học, trọng đạo lý trên đã được các hậu duệ kế tục hơn 300 năm qua, nhiều người đã dũng cảm chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc thế kỷ 20, tiếp đó nhiều người đã trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, … đã và đang tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Chính quyền và nhân dân phường Phương Liên và quận Đống Đa đã kiến nghị thành phố Hà Nội đặt tên "Nguyễn Hy Quang" cho một tuyến đường phố tại thủ đô Hà Nội.


Nguyễn Đức Tuấn

Ý kiến bạn đọc