Mâm cỗ truyền thống của người Việt có gì?

11:23, 24/07/2013
|

Ẩm thực không có chuẩn nào để đánh giá đúng hay sai, nhưng qua các ý kiến trao đổi có thể thấy, mâm cỗ, bàn tiệc thể hiện văn hóa dân tộc, mang đặc trưng vùng miền.

Nhà giáo ưu tú, chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi cho rằng: nếu một người nấu ăn ngon nhưng không quan tâm đến trình bày - ở đây thể hiện qua cách sử dụng dụng cụ bàn ăn và trang trí - thì vẫn không nhận được sự đồng cảm cao từ người thưởng thức. Theo bà, từ “chuẩn” được đề cập đến nhằm nhắc nhở mọi người nghĩ đến giá trị văn hóa gia đình mang tính chất truyền thống từ ngàn xưa để lại, chúng ta cần phải trân trọng giữ gìn và phát huy. Đây là yếu tố nặng về hình thức, tiêu biểu cho đặc thù của ẩm thực nước nhà chứ không có ý nghĩa về vật chất.

 

Về chất lượng món ăn, mâm cỗ chuẩn và bàn tiệc chuẩn không giống nhau. Mâm cỗ có những nét riêng, thay đổi theo từng vùng miền cũng như phong tục, tập quán và điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương, thể hiện bản sắc văn hóa ẩm thực của một quốc gia nặng về đời sống tâm linh giữa người còn sống và người đã khuất. Nói về mâm cỗ chuẩn có lẽ vùng đồng bằng Bắc bộ thường theo đúng bài bản hơn, nhất là mâm cổ ngày Tết: 4 đĩa, 4 bát, không kể đĩa xôi và bát nước chấm. Trong khi đó, bàn tiệc chuẩn của người Việt nặng về xã giao và nghi thức, thông qua việc sắp xếp bày dọn và phục vụ theo đặc thù của người Việt. Ngoài ra không cần chuẩn mực nào khác. Chuẩn của một bàn ăn, bữa tiệc không được đánh giá dựa vào chuẩn của dụng cụ bày biện thức ăn như đũa, muỗng để trên bàn vuông hay tròn, mà ở đây là làm sao để người ta thấy trình độ con người qua cách sử dụng công cụ phù hợp, chu đáo, thể hiện nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt.

 

Trên thế giới, văn hóa ẩm thực mỗi nước có một nét riêng, tùy thuộc vào lịch sử, địa lý. Ví như phương Tây chú trọng trang trí xung quanh: bàn, khăn, ly, thìa, nĩa, ý tứ sắp xếp, thì châu Á lại chú trọng nội dung nhiều hơn, chú ý đến khẩu vị của khách, nấu món gì và nấu như thế nào. Điểm giống nhau giữa hai hình thức này là sự trọng thị, muốn khách mời được tôn trọng, vui vẻ, hài lòng. “Có nhiều món ăn đậm chất của Việt Nam nhưng khi trình bày lại theo những phong cách khác nhau, làm mất đi vẻ thuần túy của món ăn Việt. Đôi khi người ta chỉ chú trọng đến chất lượng của món ăn mà quên đi tính thẩm mỹ cần có của món ăn đó” - diễn viên Diễm My nhận xét.

 

Đất nước ta trải dài trên nhiều vùng miền văn hóa nên cách ăn uống của mỗi vùng miền cũng khác nhau. Nhiều nơi ăn thức ăn ngọt, đậm, miền Trung lại cay, mặn, miền Bắc thì nhạt, thanh. Vì vậy, nếu không am hiểu khẩu vị người dân từng vùng thì việc chế biến đồì ăn thứác uống sẽ thất bại. Theo bà Triệu Thị Chơi, trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hiện nay, du lịch phát triển, cách tốt nhất là điều chỉnh khẩu vị cho phù hợp, chứ không thể bắt buộc có một chuẩn chung. Nhưng cho dù có sự khác nhau, cốt lõi chung của ẩm thực Việt vẫn phải duy trì, đó là sự cân bằng âm dương. Ví như mâm cỗ ngày Tết vẫn luôn có bánh chưng, bánh tét, và để cân bằng âm dương thì lại có dưa, củ kiệu...

 

Câu nói của người xưa: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” nhằm nhắc nhở con cháu những điều lễ nghĩa cần lưu ý trong trong bữa ăn, phải biết xác định vai trò của mình để có vị trí ngồi thích hợp, chỗ dành cho ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi, chỗ phù hợp cho người trẻ tuổi vào hàng con cháu, từ đó có cách cung kính và phục vụ đúng mức. Ví dụ, con cháu thường ngồi cạnh nồi cơm để xới cơm cho ông bà, cha mẹ và ngồi gần hướng bếp để tiện lấy thức ăn. Văn hóa ứng xử trong bàn tiệc phần nào cũng thể hiện ý nghĩa của câu nói trên: bàn ăn phải xác định vị trí ngồi cho từng đối tượng, nhất là bàn tiệc chiêu đãi, phải biết thể hiện lòng tôn kính là nét đẹp văn hóa bên cạnh những yếu tố khác như cung cách phục vụ, giao tiếp...


Duyên Phương

Ý kiến bạn đọc