Kiếm được tiền tỉ từ việc trở thành đối tác YouTube đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều bạn trẻ. Song, không hẳn clip view cao thì tiền cao...
Một xu hướng dễ nhận thấy trên YouTube hiện nay đó là việc các YouTuber ngày càng đầu tư hơn cho sản phẩm của mình. Thay vì “tự biên tự diễn” theo phương châm “tiết kiệm là quốc sách” thì nhiều người chấp nhận bỏ chi phí ra thuê hẳn một ekip làm tất cả các khâu từ lên kịch bản, quay phim cho đến hậu kỳ.
Thậm chí, có rất nhiều kênh YouTube được thành lập bởi một nhóm người trẻ, chuyên làm phim ngắn, MV ca nhạc, video quảng cáo sản phẩm… chuyên nghiệp và đăng tải thường xuyên theo lịch cố định.
Các nhóm thành lập kên YouTube ngày càng đầu tư hơn về trang thiết bị để cho ra những sản phẩm chất lượng
Ảnh: NVCC
|
Những con số “khủng” về thu nhập của các nhóm này từ việc làm đối tác cho YouTube đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều bạn trẻ.
Không ít người choáng váng khi biết được các kênh YouTube cá nhân nhận được hàng ngàn USD mỗi ngày từ YouTube, chẳng hạn như Ray William Johnson, diễn viên hài 8X nổi tiếng trên YouTube có thể kiếm 9.000 USD mỗi ngày. Hay chàng trai vlogger Niga Higa kiếm được hơn 2.000.000 USD chỉ trong một năm.
Bề nổi của tảng băng chìm
Theo tiết lộ của anh Hà Ngọc Quý, mỗi lần quay phim nhóm sẽ trích ra một khoản tiền tương đối lớn để thuê thiết bị như máy quay, hệ thống đèn chiếu sáng, flycam...
Ảnh: NVCC
|
Sức hấp dẫn từ việc hợp tác cho YouTube khó cưỡng là thế, song chuyện biến sở thích làm video thành một công cụ hái ra tiền đối với nhiều teen vẫn còn là mơ ước còn xa tầm với. Anh Hà Ngọc Quý (24 tuổi), hiện đang là quản lý của kênh YouTube FAtv chia sẻ: “Chuyện kiếm tiền từ YouTube không phải là dễ, bởi lượng thu nhập rất không ổn định, ngoài ra còn phải có sự sáng tạo vì không phải ai cũng có thể nghĩ ra một đề tài hay ho, câu hàng triệu view chỉ trong thời gian ngắn”.
Tất nhiên, không phải ai cũng làm được điều này, bởi đi kèm với nó là những vấn đề nảy sinh thêm, thậm chí là để lại hậu quả khá nặng nề như…bị làm ngơ hoặc mất vĩnh viễn kênh YouTube.
Những ngày đầu quay phim với mục đích...cho vui, không ngờ lại nhận được sự yêu thích từ cộng đồng
Ảnh: NVCC
|
Ngược dòng hồi ức, anh bộc bạch: “Xuất phát điểm của Fatv là những clip cả nhóm tôi quay và tải lên YouTube, đó đơn giản chỉ là vì sở thích, muốn lưu lại những kỷ niệm đẹp thôi. Vài năm trước YouTube khá phổ biến với những người dùng Internet, đặc biệt là giới trẻ, nên các thao tác và khái niệm cơ bản liên quan cũng không gây khó khăn gì”.
Vậy mà, làm chơi lại ăn thật, những video của nhóm anh Quý được rất nhiều bạn bè ủng hộ và yêu thích. Sau khi nhận thấy lượt view từ những video tăng lên đều đặn và khá cao, anh Quý đã cùng các thành viên trong nhóm bàn bạc lại và đưa ra định hướng để phát triển kênh YouTube của nhóm một cách nghiêm túc.
Bạn Min, một thành viên giữ vị trí quay phim, chụp hình trong nhóm FAtv
Ảnh: NVCC
|
“Khi đã xác định được mình muốn theo hướng nào rồi thì cố gắng phát triển nó theo mục đích đã đề ra thôi. Nói cách khác, mỗi người khi lập một kênh YouTube riêng đều sẽ phải tạo một tên thương hiệu tùy ý thích, liên quan đến nội dung mà mình định phát triển và upload. Sau đó sẽ đến bước đăng ký làm YouTube Partner, liên kết kênh đến một tài khoản kiếm tiền qua trình quảng cáo của YouTube để có thể nhận tiền”, anh cho biết.
Anh Hà Ngọc Quý cùng các diễn viên thân thiết chụp hình kỷ niệm sau lần đầu kênh YouTube của nhóm đạt 300.000 view
Ảnh: NVCC
|
Số tiền kiếm được là do sau khi đồng ý tham gia vào cộng đồng YouTube cũng có nghĩa bạn đồng ý cho phép YouTube hiển thị quảng cáo trên video của mình, và nếu có người click vào quảng cáo thì sẽ được tính vào tiền nhận được cho chủ video.
“Các hình thức và phương tiện kiếm tiền cho tài khoản được chia làm 2 loại: thông qua Google Adsense hoặc các Network, trong đó mỗi loại có ưu điểm và giới hạn khác nhau, sẽ liên quan đến mục đích của từng người,” anh Quý giải thích thêm.
Vén màn bí mật “kiếm tiền từ YouTube”
Cũng như FAtv, nhóm Ti Gôn Kaya cũng thành lập vào năm 2015, bởi những bạn trẻ có chung đam mê làm phim ngắn
Ảnh: NVCC
|
Cũng như FAtv, nhóm Ti Gôn Kaya được thành lập bởi những bạn trẻ có chung niềm đam mê làm phim ngắn cách đây 2 năm. Trưởng nhóm Nguyễn Ti Gôn (28 tuổi) là sinh viên năm nhất ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Gôn cho biết: “Lúc đầu nhóm chỉ có 4 thành viên, vừa phải nghĩ kịch bản, quay, dựng và tự diễn... Những clip khi đó tụi mình chỉ để up YouTube cho vui, sản phẩm đầu tiên là 1 clip hài. Mình cũng không ngờ lại được sự đón nhận và yêu thích từ cộng đồng như vậy”.
Cũng theo lời Gôn, tính đến thời điểm hiện tại, lượt xem kênh YouTube của nhóm đã đạt 17.000.000 view. Và từ khi nhận thức được việc kiếm tiền từ YouTube, anh cùng các thành viên trong nhóm đã bàn bạc để đưa ra hướng đi nghiêm túc cho Ti Gôn Kaya.
“Mình đầu tư hơn về số lượng thành viên, từ 4 người giờ thêm 7 người và có lúc mời những khách mời nổi tiếng để thu hút người xem. Để là một nhóm chuyên nghiệp, mỗi thành viên phụ trách một việc riêng biệt”, anh Gôn vui vẻ nói.
Các thành viên của Ti Gôn Kaya cũng có chung 1 nhận định, hầu hết đối tượng trẻ là người thường xuyên xem sản phẩm của nhóm. Chính vì lý do đó, các phim ngắn của nhóm chủ yếu làm về các đề tài hài vui vẻ, những câu chuyện kể về cuộc đời một nhân vật và dựa theo một câu chuyện để hư cấu.
“Hiện tại thì nhóm đã sản xuất được 40 clip, gồm 3 thể loại là phim hành động, hài, phim tình cảm học sinh và phim hài tình cảm. Trung bình mỗi clip của nhóm đều đạt trên 1.000.000 view”, anh Gôn chia sẻ.
Tuy nhiên, để thu lại được số lợi nhuận khủng thì công sức và khả năng sáng tạo trí óc của mỗi người bỏ ra cũng phải cực kỳ cao. “Nghĩ rằng video của mình cứ thu hút view và lượt tương tác, từ đó càng tăng tỉ lệ kiếm được càng nhiều tiền thì nhầm to rồi. Xác suất như vậy nhỏ lắm, trừ khi video đó bất ngờ là ngoại lệ bỗng nổi lên như một hiện tượng mạng, còn không thì đến vài năm nữa cũng chả tích đủ tiền mua một con smartphone”, vừa nói anh Quý vừa mở máy tính phân tích để chúng tôi dễ hiểu hơn.
“Nhiều bạn thắc mắc về vấn đề sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ YouTube. Thật ra, rất nhiều bạn nghĩ video được trả tiền theo số lượt xem thống kê ở dưới. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bạn chỉ được trả tiền, khi lượt xem đó hiển thị quảng cáo của Google. Và Google chỉ hiển thị quảng cáo khi có người đăng ký adwords quảng cáo trên YouTube”
Quảng cáo cũng hiển thị phụ thuộc theo cookie của trình duyệt người dùng. Và 1 phần quảng cáo hiển thị phụ thuộc vào cách đặt tiêu đề, từ khóa phần trích dẫn của video. Tuy nhiên, cũng không phải 100% lượt hiển thị quảng cáo sẽ có tiền, vì cơ bản còn có những quảng cáo chung của Google được chèn xen kẽ vào các video của bạn.
Anh Gôn chia sẻ: "Nếu chỉ có 2 bàn tay trắng thì hãy theo đuổi đam mê bằng trí óc và sự sáng tạo"
Ảnh: NVCC
|
Ngoài ra, anh Quý cho biết: “Khi có người bấm vào quảng cáo, bạn cũng sẽ có tiền. Và có những quảng cáo mua hàng thì sau khi bấm vào quảng cáo, họ mua hàng, bạn còn được trích hoa hồng bán hàng nữa”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về số tiền cụ thể FAtv kiếm được từ YouTube, anh Quý chia sẻ: “Những video ban đầu chỉ có vài trăm, khi khá hơn được vài ngàn view. Sau gần 1 năm thì lượng view tăng lên được vài chục ngàn cho mỗi clip, lượng người đăng ký xem kênh của tôi cũng tăng lên được gần 50.000. Tính ra mỗi tháng, tôi kiếm được vài chục cho đến vài trăm USD”.
Phim ngắn Tìm lại chính mình của nhóm Ti Gôn Kaya nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người hâm mộ
Ảnh: NVCC
|
Tuy nhiên, ở Việt Nam cứ 1.000 lượt hiển thị quảng cáo chỉ được khoảng 0,3 – 0,5 USD, thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Nguồn thu nhập chính của FAtv chủ yếu từ các hợp đồng quảng cáo ở bên ngoài.
Làm phim ngắn để quảng cáo sản phẩm chính là cách để FAtv khẳng định thương hiệu của mình với người hâm mộ và các nhãn hàng
Ảnh: NVCC
|
Theo chia sẻ của anh Quý, FAtv sau khi đã có tên tuổi trên YouTube thì đã bắt đầu được đặt hàng làm clip quảng cáo. Các hợp đồng quảng cáo với số tiền không dưới 35.000.000 đồng/lần. Việc lên kịch bản clip sẽ phụ thuộc vào các điều khoản do hai bên thỏa thuận với nhau.
Anh nói thêm: “Ngoài ra bên phía công ty muốn hợp tác với chúng tôi sẽ có các gói cho chúng tôi lựa chọn. Ví dụ như, gói cơ bản là họ chi ra 1 khoản tiền nhất định và chúng tôi chỉ việc hoàn thành sản phẩm là xong. Gói thứ 2 là họ chi ra số tiền cao hơn với điều kiện, sau khi hoàn thành sản phẩm thì nó phải đạt lượt xem trong khoảng từ bao nhiêu đến bao nhiêu đó. Các gói khác cũng tương tự nhưng ở các mức giá cao hơn và điều kiện cũng khó hơn”.
Như vậy có thể thấy rõ ràng các bạn trẻ không thụ động kiếm tiền từ YouTube theo công thức "view cao, tiền cao", mà họ dùng YouTube để làm kênh quảng bá thương hiệu nhằm tạo nguồn thu nhập khác béo bở hơn nhiều, hệt như cách mà nhóm anh Quý cũng như nhiều bạn trẻ khác đang áp dụng vô cùng hiệu quả.
Theo Thanh Niên Online
Ý kiến bạn đọc