Những ngôn từ tục tĩu, tiêu cực ngày càng phổ biến trên mạng xã hội và đang có chiều hướng gia tăng. Hệ lụy của nó là hàng loạt vụ việc nghiêm trọng, kể cả án mạng.
Xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Ngày 12-4 vừa qua, Hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo do Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) phối hợp với Cục Phát thanh - Truyền hình & Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Theo báo cáo tại hội thảo, Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút/ngày. Đây là tỷ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%.
Cũng tại hội thảo, VPIS đã công bố kết quả một cuộc khảo sát về tình trạng sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam. Theo đó, có đến 78% người dùng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Các phát ngôn gây thù ghét tồn tại dưới nhiều hình thức, song chủ yếu là dưới dạng nói xấu, phỉ báng (61,7%) và vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%).
Còn theo khảo sát của phóng viên Báo Năng lượng Mới, từ nhiều năm trước, ở nước ta đã xuất hiện hiện tượng phát ngôn thiếu lành mạnh trên mạng xã hội và gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng dường như nhiều người vẫn chưa nhận thức được điều này. Đơn cử như trào lưu “Việt Nam, nói là làm” gây sốt cộng đồng mạng trong năm 2016. Nhiều người dùng facebook đăng tải lên trang cá nhân nội dung sẽ làm một điều gì đó nếu đủ lượt like, bình luận hay chia sẻ. Điều đáng nói là những nội dung được đưa ra để “câu like” phần lớn là phản cảm, gây sốc như “đủ 1.000 like sẽ lột đồ”, “đủ 2.000 like quay clip khỏa thân”.
Nguy hiểm hơn là các vụ việc liên quan đến tính mạng con người và tài sản của xã hội. Điển hình như vụ nam thanh niên quay clip tự thiêu rồi nhảy cầu ở thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 9-2016 gây xôn xao dư luận. Trước đó, nam thanh niên này đăng một bức ảnh kèm theo dòng trạng thái gây sốc trên trang facebook cá nhân: “Việt Nam, nói là làm! Bức hình này đủ 40.000 like tôi sẽ đổ xăng lên người và châm lửa rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói tôi làm! Share mạnh có cái hay hấp dẫn để xem”. Sau đó, lời thách thức này nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng, chưa đầy 24 giờ đã có hàng nghìn lượt like và chia sẻ đến mức vượt cả chỉ tiêu ban đầu mà nam thanh niên đề ra. Rất may sự việc không ảnh hưởng đến tính mạng.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra ở Khánh Hòa khi một nữ sinh 13 tuổi phải đem xăng đốt trường vì “lỡ” đăng tải lên trang cá nhân nội dung theo trào lưu “nói là làm”. Nghiêm trọng hơn, cuối tháng 10-2016, một nam sinh lớp 8 ở Yên Bái đã thắt cổ tự tử sau khi bị đánh, bắt quỳ và xin lỗi rồi quay clip tung lên mạng xã hội.
Có thể nói, sự phát triển vũ bão của công nghệ, những phát ngôn tiêu cực mang tính kích động, gây mâu thuẫn xuất hiện một cách tràn lan và khó kiểm soát. Đây được xem là một vấn nạn mà cả thế giới đang phải đối mặt trong kỷ nguyên số.
Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà quản lý đã đề xuất xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ở Việt Nam” nhằm tăng cường thực thi quản lý Nhà nước để giảm thiểu và ngăn chặn các tác hại của phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, bộ quy tắc nên hướng vào người dùng là chủ yếu chứ không chỉ hướng vào nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội.
Cần giáo dục nhận thức cho giới trẻ
PGS TS Trịnh Hòa Bình |
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nhận định: “Dù chưa biết quy mô của cuộc khảo sát đó, nhưng tôi thấy những con số trên đây là rất lớn và phản ánh một thực trạng đáng báo động ở nước ta hiện nay. Bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội thì mặt tiêu cực ở đây là sự xâm phạm riêng tư, cá nhân con người và thậm chí là cả những vấn đề liên quan đến thể chế, chế độ của quốc gia”.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, mạng xã hội hiện nay cho thấy một bức tranh nhiễu loạn của xã hội, đồng thời phản ánh tình trạng văn hóa của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang dần xuống cấp. Sự vô cảm, ích kỷ lên ngôi và các giá trị văn hóa đang dần bị đảo lộn, những con số đó cũng tương thích về mặt đạo đức, đạo lý xã hội.
“Mạng xã hội đang ngày càng phổ biến, hầu như ai cũng biết đến và sử dụng nó. Phụ thuộc vào lứa tuổi, khả năng thích nghi công nghệ và Internet mà dùng ít hay nhiều. Ở các trang mạng xã hội có tính tự do, vậy nên khó mà kiểm soát được những phát ngôn trên đó. Cho nên, việc ăn nói loạn xạ hay tình trạng vùi dập, ném đá một người nào đó xuất hiện tràn lan gây ra những nguy hiểm nhất định” - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội nói.
Chia sẻ về hậu quả xuất phát từ việc phát ngôn trên mạng xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích: “Những phát ngôn gây thù ghét, đâm bị thóc, chọc bị gạo, tung tin thất thiệt hay vùi dập, bôi nhọ người khác, trước tiên là gây ra sự hồ nghi, mất lòng tin của con người đối với xã hội với các cá nhân, tổ chức. Rồi gây sự nhiễu loạn, khiến xã hội mất ổn định, con người trở nên nghi kỵ lẫn nhau, tạo nên sự hận thù cho nhau. Sâu sắc hơn cả là khiến cho cộng đồng có cái nhìn tiêu cực về xã hội, cho rằng những điều tốt đẹp dường như không còn tồn tại nữa, mà chỉ thấy những mặt tệ hại, xấu xa. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tính cấu kết bền vững của xã hội, khiến con người mất đi sự nhiệt tình trong việc chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”.
Nói về những giải pháp nhằm hạn chế các phát ngôn tiêu cực trên mạng xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho hay, bên cạnh giải pháp về mặt kỹ thuật như việc “lọc” các phát ngôn gây thù ghét thì cần sự can thiệp của các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ như google, facebook… Tuy nhiên, đó chỉ một cách để hạn chế, để dẹp những phát ngôn tiêu cực xuất hiện tràn lan, chứ không thể giải quyết một cách triệt để. Song, quan trọng hơn cả là từ phía những người dùng, do đó ta vẫn phải quay về với việc giáo dục con người từ gia đình và nhà trường.
“Cần phải giáo dục thế hệ trẻ có thái độ đúng đắn và có trách nhiệm xã hội mỗi khi phát ngôn. Mỗi khi nhấp chuột hay ấn nút like, bình luận thì cần phải suy nghĩ trước khi bày tỏ thái độ tán thưởng hay chê bai bất cứ vấn đề nào đó. Bởi đôi khi không suy xét kỹ vấn đề mà lăng xê hoặc hùa theo đám đông cũng là tội ác. Chẳng hạn như có vụ bé gái bị cộng đồng mạng vùi dập mà phải tự tử, hay một trào lưu đủ like là làm của giới trẻ gần đây đã xuất hiện các vụ như đem xăng đốt trường, lột đồ khỏa thân… Tất cả cho thấy những suy nghĩ lệch lạc của cộng đồng mạng cần phải chấn chỉnh để không bị phát tán rộng hơn” - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội nhận định.
Theo Petrotimes.vn
Ý kiến bạn đọc