(VnMedia) - Sau nhiều năm chủ yếu được biết đến với các sản phẩm ổ đĩa quang, Plextor đã thực sự tạo được dấu ấn về sự trở lại thị trường lưu trữ hiện đại với các dòng ổ M8Pe hợp chuẩn NVMe. Dựa trên thành công này, hãng lại tiếp tục tung ra một dải sản phẩm ổ lưu trữ thể rắn (SSD) NVMe mới với tên gọi M8Se.
Lựa chọn SSD NVMe tốc độ cao dành cho thị trường phổ thông
Kể từ năm 2014, Lite-on Technology, nhà sản xuất đứng sau thương hiệu Plextor đã bắt đầu tung ra thị trường các loại ổ SSD của riêng mình, với hai dòng sản phẩm riêng biệt: P (Performance: hiệu năng) và S (Standard: tiêu chuẩn).
Trong khi dòng P hướng tới việc đem lại hiệu quả hoạt động tốt nhất có thể, các mẫu ổ dòng S, dù xếp dưới “đàn anh”, nhưng chú trọng vào việc đem tới cho người dùng giải pháp lưu trữ thể rắn với hiệu năng nhỉnh hơn chút ít so với mặt bằng chung. Kể từ thế hệ M6 vào năm 2014, Plextor đã cải tiến sản phẩm nhiều lần trước khi đạt tới thế hệ M8 (với dòng M8Pe) vào năm 2016 dành cho các hẹ thống máy tính cao cấp, máy trạm. Tới Computex cùng năm đó, hãng đã trưng bày M8Se nhưng không hề công bố chính thức ra thị trường. Thay vào đó, phải tới CES đầu năm 2017, sự hiện diện của M8Se mới được công chúng biết tới.
Tương tự như nhiều mã sản phẩm khác của Plextor, M8Se cũng có ba phiên bản khác nhau. Trong đó, một sử dụng giao tiếp PCI-Express và một phiên bản M.2, hai đều được trang bị tản nhiệt. Ngoài ra, Plextor cũng cung cấp một phiên bản M.2 thuần túy không có tản nhiệt với giá "mềm" (trung bình chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng) trong khi vẫn duy trì được hiệu năng đặc thù của ổ SSD với giao thức NVMe (Non-Volatile Memory Express).
Đây cũng sẽ là sản phẩm mà bài viết này đề cập tới.
Bộ điều khiển Marvell và chip nhớ TLC 3D 15nm mới của Toshiba
Trong dải sản phẩm của Plextor, M8Se được xếp vào nhóm cao cấp với nhiều tiêu chí về chất lượng và hiệu năng vận hành, tuy nhiên lại có mức giá hợp lý so với mặt bằng chung sản phẩm bộ nhớ flash chuẩn NVMe hiện nay. Theo quan sát trên bo mạch, M8Se sử dụng chip nhớ NAND TLC 3D của Toshiba. Đây là các chip sản xuất trên dây chuyền công nghệ 15nm. Bộ nhớ TLC đem tới dung lượng lớn trên diện tích mạch nhỏ, đồng nghĩa với việc chi phí chế tạo rẻ, đem tới mức giá tốt hơn cho người dùng.
“Điều hành” các chip nhớ trên M8Se là bộ điều khiển 88SS1093 (Eldora) với ba lõi xử lý của Marvell, cho kết nối PCIe 3.0 X4 hợp giao thức NVMe. Đây là bộ điều khiển song hành với công nghệ Low-Density Parity Check thế hệ thứ ba, vốn cũng được sử dụng trên dòng sản phẩm M8Pe cao cấp trước đó. Ngoài ra, bo mạch của M8Se cũng có bộ nhớ đệm DRAM DDR3 với dung lượng 1GB.
Ở phương diện độ bền, Plextor M8Se có thể chịu được 80 TBW cho mỗi 128GB, nói cách khác, mẫu 256GB trong thử nghiệm đạt 160 TBW – thừa đủ cho tới khi trở nên cũ kĩ trước hàng loạt thế hệ mới. Theo số liệu lý thuyết, ổ cũng có chỉ số thời gian vận hành ước tính lên tới 1,5 triệu giờ.
Thiết kế sản phẩm
Nằm ở phân khúc cao cấp hơn so với các mẫu SSD M6 sử dụng giao thức SATA, M8Se với PCIe vẫn sử dụng chân cắm M.2. Chính vì điều này, khi chọn lựa mua, người dùng cần đảm bảo máy tính của mình cũng hỗ trợ giao tiếp PCIe qua M.2. Một số dòng máy hay bo mạch chủ giá rẻ có thể chỉ hỗ trợ SATA qua cổng này mà thôi.
M8Se có thiết kế bo mạch đơn mặt, tuân theo đúng kích thước chuẩn 2280 (rộng 22mm, dài 80mm) cho phép tương thích với nhiều hệ thống máy tính và bo mạch chủ (đặc biệt là các loại với kích thước nhỏ gọn, siêu mỏng).
Ngoài phiên bản “trơn” mà bài viết đề cập, Plextor cũng có một mẫu với tản nhiệt lắp sẵn – khá lý tưởng bởi vị trí của các khe cắm M2 thường bị bao quanh bởi nhiều thành phần linh kiện tỏa nhiệt (thậm chí là bộ xử lý trung tâm và card đồ họa, vốn là những thành phần nóng nhất trên một hệ thống máy tính). Trong khi đó, các ổ SSD tốc độ cao thường cũng khá nóng trong khi vận hành, có thể dẫn tới hiện tượng giảm tốc để đảm bảo an toàn (điều mà chúng ta sẽ đề cập tới trong phần sau của bài viết).
Hiệu năng vận hành
Để thử nghiệm hiệu năng thực tế của Plextor M8Se, hệ thống máy tính sử dụng bao gồm: chip xử lý Intel Core i7-7700K; bo mạch chủ MSI Z270I Gaming Pro AC, Bộ nhớ RAM DDR4 2400MHz Apacer Panther, và card đồ họa NVIDIA GeForce 1080 Ti. Hệ điều hành Windows 10 Enterprise được cài đặt trên ổ riêng để tránh ảnh hưởng kết quả đo điểm.
Là ổ SSD sử dụng giao tiếp PCIe X4, một điều hiển nhiên là M8Se cũng như các sản phẩm cùng loại sẽ có hiệu năng vượt trội so với ổ SSD SATA truyền thống (vốn bị giới hạn do băng thông kết nối chỉ 6Gb/giây). Điều này thể hiện rất rõ trong các thử nghiệm về tốc độ đọc/ghi dữ liệu liên tục.
Trong khi đó, về lý thuyết, Plextor cho biết M8Se phiên bản M.2 có thể đem tới tốc độ đọc dữ liệu liên tục lên tới 2.450MB/giây, ghi liên tục 1.000MB/giây. Hiệu năng đọc ngẫu nhiên lên tới 210.000 IOPS, ghi ngẫu nhiên 175.000 IOPS. Đây đều là các mức vượt xa nhiều lần so với ổ SSD sử dụng kết nối SATA, và là một đặc thù của các dòng sản phẩm NVMe. Đáng kể hơn, sự hiện diện của NVMe 1.2 mới cũng góp phần giảm thiểu đáng kể độ trễ, cũng như tăng tốc quá trình truyền dữ liệu.
Trong CrystalDiskMark, M8Se trên hệ thống thử nghiệm cho tốc độ đọc dữ liệu liên tục lên tới 2.464MB/giây trong phép thử 1GB, vượt hơn so với mức công bố. Tuy nhiên tốc độ ghi dữ liệu liên tục lại tụt chút ít.
Nhận định chung
Từ mức tốc độ khiêm tốn chỉ 100MB/s giây đối với các loại ổ cứng đĩa từ nhiều năm qua, có thể nói công nghệ lưu trữ thể rắn đã đem tới mức cải thiện hiệu năng vượt trội. Tuy nhiên, nếu như cách đây vài năm, con số 500MB/giây hay 600MB/giây của các ổ SSD SATA III hàng đầu khiến nhiều người phải ngưỡng mộ, sự hiện diện của thế hệ NVMe mới đã thay đổi hoàn toàn tiêu chuẩn của cuộc chơi. Song song với giao thức mới, sự hiện diện của thế hệ chip nhớ NAND và bộ điều khiển mới cũng đồng thời giảm đáng kể độ trễ cho các ổ SSD hiện đại.
Là sản phẩm mới của Plextor trên thị trường, M8Se có nhiều ưu thế về mặt công nghệ và tính năng. Với mức giá hợp lý, đây cũng là một trong những giải pháp NVMe sử dụng giao tiếp M.2 dễ tiếp cận nhất với người dùng hiện nay. Những thử nghiệm thực tế cho thấy hiệu năng mà ổ mang lại là bước tiến lớn trong phân khúc SSD phổ thông, nhờ vào sự hiện diện của khối điều khiển loại tốt, chip nhớ NAND TLC 3D mới.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng việc thiếu vắng tản nhiệt tích hợp khiến nhiệt độ ổ thường xuyên ở mức khá cao – một điểm mà người dùng cần lưu ý nếu lắp vào các thiết bị có kích thước nhỏ (như MTXT, HTPC…). Dù vậy, trong suốt quá trình chạy thử hàng chục giờ trên hệ thống máy tính cá nhân với kích thước ITX, M8Se đã vận hành hoàn hảo và không hề gặp trục trặc nào.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh
Ý kiến bạn đọc