(VnMedia ) - Trước tính chất nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết, ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các tỉnh thành, bộ ngành quyết liệt triển khai phòng chống dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng ở nhiều tỉnh, thành.
>>>Tự điều trị sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong
>>>Sốt xuất huyết dễ nhầm với sốt phát ban
Phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết |
Theo công điện, dịch sốt xuất huyết đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 29.000 người mắc bệnh, tập trung tại một số tỉnh, thành khu vực miền Nam, miền Trung. Đặc biệt, hiện cả nước có 18 người tử vong.
Mặc dù, năm 2014 là năm có số người mắc bệnh sốt xuất huyết thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, theo chu kỳ 5 năm, 10 năm, bệnh sốt xuất huyết có thể tăng vào cuối mỗi chu kỳ. Hơn nữa, so với năm 2014, thì năm 2015 số người mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh lưu hành ở các tỉnh, thành trong cả nước, thường gặp ở trẻ em. Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, (bọ gậy) và phòng muỗi đốt.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn. Diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống, phun hóa chất. Đặc biệt, tại các công trường xây dựng, khu đông dân cư, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường kém, người dân khi có dấu hiệu sốt cần đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
“Sở Y tế các tỉnh giám sát tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch khi phát hiện”, Thủ tướng yêu cầu.
Công điện cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra các địa phương giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết; tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị, đảm bảo đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT phải huy động giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế. Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Để phòng tránh dịch sốt xuất huyết nguy hiểm, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, dẹp bụi rậm, đổ nước tù đọng trong các chum vại, lọ nước hoa và những vũng nước quanh nhà, thả cá vào bể nước, vại nước để diệt bọ gậy... Khi làm việc, đi chơi tại các vùng có nhiều muỗi thì nên mặc quần áo dài, bôi thuốc diệt muỗi, nằm ngủ nên mắc màn.
Người dân cũng lưu ý các triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; Người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; Xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đối với phụ nữ có thể rong kinh; Đau bụng, nôn ói…; Mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, đi cầu ra máu. Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết.
Minh Hải
Ý kiến bạn đọc