Nguy hiểm khi tự mua kháng sinh trị ho

09:36, 11/09/2015
|

(VnMedia) - Việc lạm dụng kháng sinh, trong đó có nhiều người tự mua thuốc kháng sinh trị ho, đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, có thể khiến bệnh nhân gặp nguy cơ tử vong cao hơn.

Đó là thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị bàn về các biện pháp phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam, diễn ra vào ngày 9/9 vừa qua.

88% thuốc kháng sinh được mua mà không cần kê đơn

Theo Bộ Y tế, qua khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. 

Có đến 88% thuốc kháng sinh được mua mà không cần kê đơn. Loại thuốc này đóng góp đến gần 14% ở thành thị và khoảng 19% ở nông thôn trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Đáng chú ý, nhiều người mua kháng sinh để điều trị ho - tỷ lệ này ở thành thị lên đến gần 32%.

  Ảnh minh họa

  Ảnh minh họa.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế giới (WHO) mới đây tại Việt Nam cũng cho thấy, trong số 10 loại thuốc được dùng nhiều nhất thì tỷ lệ kháng sinh là cao nhất, trong đó kháng sinh thế hệ thứ 3 đứng đầu danh sách.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên cho biết, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, nguy hiểm nữa là tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là đối với các vi sinh vật đa kháng.

Lạm dụng kháng sinh nguy cơ tử vong cao

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.

Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, tình trạng kháng kháng sinh đã làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng cao. Nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới.

Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng.

Thêm vào đó, nhu cầu thực phẩm gia tăng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng ở mức báo động. Nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy, có đến 45 loại kháng sinh được người nông dân sử dụng để điều trị, dự phòng và thúc đẩy tăng trưởng.

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh, song việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.

Chính vì thế, các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. 

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020; thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng; thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc; ban hành nhiều văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh... nhằm mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc.

Minh Hải

Ý kiến bạn đọc