(VnMedia) - Mỗi năm, số bệnh nhân lao được phát hiện ở Việt Nam tăng 7%, trong đó hơn 90% thuộc lứa tuổi 25 - 54. Việc điều trị bệnh này ngày một khó khăn do sự kháng thuốc của vi khuẩn.
Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn có tên là Mycobacterium tuberculosis và thường gây bệnh ở phổi. Bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng tránh được. Bệnh lao không phải là bệnh di truyền mà là bệnh lây truyền. Nguồn lây chính của bệnh là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm.
Biểu hiệu của bệnh lao
Biểu hiện chính là người bệnh thường ho kéo dài hơn 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất; cơ thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở…
Đường lây truyền của bệnh lao
Vi khuẩn lao lây từ người sang người qua đường không khí. Khi người bệnh lao phổi ho, hắt hơi hay khạc nhổ, họ đã phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Một người chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn lao cũng sẽ nhiễm lao. Khoảng một phần ba dân số thế giới có lao tiềm tàng, có nghĩa là những người này đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng chưa phát triển thành bệnh lao và cũng không gây lây lan bệnh lao sang người khác.
Khoảng 10% những người đã nhiễm vi khuẩn lao có nguy cơ phát triển thành bệnh lao trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên ở những người có suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng hoặc tiểu đường, hoặc những người nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn so với những người khác.
Khi một người bị bệnh lao, các triệu chứng như ho, sốt, ra mồ hôi ban đêm, sụt cân… có thể chỉ ở mức độ nhẹ trong vài tháng. Điều này có thể dẫn đến việc chậm tìm kiếm dịch vụ y tế gây ra việc tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Một người bị bệnh lao có thể gây nhiễm vi khuẩn lao cho khoảng 10 – 15 người mỗi năm thông qua các hoạt động giao tiếp hàng ngày.
Không điều trị đúng nguy cơ tử vong cao
Nếu không có các biện pháp điều trị phù hợp thì 2/3 số người bị bệnh lao sẽ chết. Kể từ năm 1995, hơn 22 triệu người đã được cứu sống và 56 triệu người đã được chữa khỏi bệnh lao bằng các liệu pháp chữa trị được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.
Bệnh lao tiến triển, nhậy với thuốc được chữa bằng trị liệu tiêu chuẩn 6 tháng với 4 loại kháng khuẩn dưới sự giám sát và hỗ trợ bệnh nhân của nhân viên y tế hoặc các tình nguyện viên đã được đào tạo. Phần lớn các ca bệnh lao là có thể chữa khỏi khi thuốc điều trị lao được sử dụng một cách hợp lí.
Thế nào là bệnh lao kháng đa thuốc?
Vi khuẩn gây ra bệnh lao có thể phát triển để kháng các loại thuốc thường dùng để điều trị bệnh. Lao kháng đa thuốc là bệnh lao đã kháng lại với ít nhất 2 thuốc là Isoniazid và Rifampicin, hai loại thuốc chống lao mạnh nhất.
Nguyên nhân đầu tiên gây ra kháng đa thuốc là sự quản lí không tốt việc điều trị bệnh lao và lây từ người sang người. Phần lớn bệnh nhân lao sẽ được chữa khỏi nếu tuân thủ tốt liệu trình điều trị 6 tháng và theo dõi một cách nghiêm ngặt.
Việc sử dụng không đúng hoặc không hợp lý thuốc chống lao hoặc sử dụng các thuốc kém hiệu quả và việc ngừng điều trị trước thời hạn sẽ làm cho vi khuẩn kháng thuốc, và chúng sẽ lây lan sang người khác, đặc biệt ở những nơi đông đúc như trường học hay bệnh viện.
Biện pháp ngăn chặn bệnh lao kháng thuốc
Ở một số nước, việc điều trị lao kháng thuốc đang trở nên ngày càng khó khăn. Các phương pháp điều trị đều hạn chế và rất tốn kém, các thuốc khuyến cáo thì không phải lúc nào cũng sẵn có và bệnh nhân sẽ phải chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc. Trong một số trường hợp có thể phát triển thành lao siêu kháng thuốc. Lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) là một dạng lao kháng đa thuốc mà chỉ đáp ứng với rất ít các loại thuốc. Cho đến nay, đã có 92 quốc gia báo cáo có ca bệnh lao siêu kháng thuốc.
Phương pháp ngăn chặn lao kháng thuốc là:
- Chữa khỏi bệnh nhân lao ngay từ họ mới bị bệnh lần đầu
- Đảm bảo việc chống nhiễm khuẩn phù hợp ở những nơi bệnh nhân điều trị
- Đảm bảo việc sử dụng hợp lý các thuốc chống lao hàng hai để điều trị lao kháng thuốc
Năm 2012, ước tính có khoảng 3.800 bệnh nhân lao kháng đa thuốc tại Việt Nam
Người thân của bệnh nhân lao có cần tiêm vacxin hay uống thuốc dự phòng không?
Tất cả trẻ sơ sinh đều phải tiêm phòng vắc xin BCG. Người lớn không cần tiêm vắc xin hay uống thuốc dự phòng vì không có tác dụng, chỉ nên chụp kiểm tra phổi để phát hiện sớm.
Ý kiến bạn đọc