"Thủ phạm" gây bệnh tiểu đường ở trẻ em

10:44, 19/09/2015
|

(VnMedia) - Tiểu đường (đái tháo đường) ở trẻ em còn gọi là tiểu đường týp 1, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin. Insulin là loại hormone (hoóc-môn) cho phép cơ thể sử dụng đường làm năng lượng.

Ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, lượng đường huyết tăng nhưng cơ thể không sử dụng được do thiếu hụt insulin.

Tiểu đường týp 1: tiểu đường phụ thuộc insulin, là loại tiểu đường chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường týp 1 cần điều trị bằng insuline thì mới có cơ hội sống.

Tiểu đường  týp 2: thường gặp ở người lớn tuổi hơn (trên 40 tuổi) và thường gắn liền với tình trạng thừa cân. Những người này có khả năng sản xuất insulin nhưng insulin hoạt động không hiệu quả. Chế độ ăn và tập luyện có thể cải thiện đường huyết

Các thể khác của bệnh tiểu đường hiếm gặp hơn .

Tại sao có bệnh tiểu đường?

Một số người mang trong mình những gen làm họ dễ mắc bệnh tiểu đường hơn những người khác. Bệnh tiểu đường xảy ra do sự kết hợp giữa gen trong cơ thể với một số yếu tố môi trường làm kích hoạt hệ thống miễn dịch và bắt đầu gây tổn thương tụy. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.

 

    Ảnh minh họa

 Trẻ em cũng mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa


Những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường

- Đi tiểu thường xuyên
- Hay khát nước, uống nhiều nước
- Ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân
- Mệt mỏi
- Thay đổi cảm xúc

Nguyên nhân gây tiểu đường ở trẻ em

- Một phần đó là do các gen đứa trẻ nhận được từ cha mẹ.
- Có trẻ bị mắc bệnh do nhiễm trùng gây ra do virut.
- Một số trường hợp, khi bị nhiễm khuẩn, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại vi khuẩn. Thay vì  chỉ  chống lại vi khuẩn, hệ thống miễn dịch đồng thời chống lại cả các tế bào sản xuất insulin trong đảo tụy. Khiến cho chức năng sản xuất insulin của tụy không còn đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.


Những điều cần biết về tiểu đường

- Tiểu đường không truyền từ người này sang người khác. Đây là bệnh không lây nhiễm, mà có nguy cơ liên quan đến các yếu tố di truyền.
- Nguyên nhân tiểu đường týp 1 không phải là do ăn quá nhiều đường hoắc bất kì thức ăn nào khác.Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh cần hạn chế đường.
- Bệnh tiểu đường týp 1 không mất đi khi con bạn lớn lên cũng như không thể chuyển hóa sang tiểu đường týp 2 và điều trị tiểu đường là điều trị suốt đời

Bệnh tiểu đường không được điều trị sẽ nguy hiểm thế nào?

Khi bệnh tiểu đường diễn tiến nhanh hoặc khi bệnh nhân được phát hiện muộn, trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, kiệt sức. Nồng độ glucose và xê-ton trong máu tăng lên rất cao, tình trạng mất nước nặng xuất hiện, trẻ sẽ hôn mê.  Hiện tượng trên gọi là nhiễm xê-ton a-xít

Giai đoạn phát bệnh có thể cực kỳ nhanh chóng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các dấu hiệu và triệu chứng thường khó nhận biết ở trẻ lớn tuổi hơn.

Tiểu đường ở trẻ em thường xảy ra ở độ tuổi nào?

Có hai loại chính của bệnh tiểu đường: týp 1 và týp 2. Trẻ em và thanh thiếu niên thường mắc tiểu đường týp  1, hay còn được gọi là “bệnh tiểu đường vị thành niên”. Bệnh tiểu đường týp 1 xảy ra khi các tế bào tiểu đảo trong tuyến tụy bị không hoạt động tốt, sản xuất  không đủ insulin cung cấp cho cơ thể.

Tiểu đường týp 1 thường xảy ra ở độ tuổi 5 -12, nhưng có một số trẻ mắc bệnh tiểu đường từ rất sớm.

Bệnh tiểu đường týp 2 thường gây ra bởi tình trạng thừa cân. Trước kia, hầu như tất cả các bệnh nhân tiểu đường týp 2 đều là người lớn. Ngày nay, không chỉ có người lớn mà nhiều trẻ đang mắc căn bệnh này.  Hoạt động quá ít và ăn quá nhiều thức ăn giàu calo  hoặc ăn đồ ăn nhanh  dễ dàng cho trẻ em để tăng cân.

Trẻ em thừa cân, béo phì, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu týp 2, có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu týp 2. Giữ cân nặng phù hợp, chế độ ăn đủ dinh dưỡng,  hợp  lý, cân đối các thành phần và hoạt động hàng ngày có thể giúp  kiềm chế hoặc thậm chí ngăn ngừa căn bệnh này.

Các xác định bệnh tiểu đường ở trẻ em

Việc chẩn đoán bệnh tiểu đường rất đơn giản. Nếu thấy các triệu chứng của bệnh tiểu đường, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm nước tiểu (tìm glucose và xê-ton) và xét nghiệm máu (đánh giá lượng đường huyết).

Bình thường thì nước tiểu không chứa glucose, glucose chỉ có thể tràn vào nước tiểu khi lượng đường trong máu cao. Nếu còn nghi ngờ, có thể làm thêm một xét nghiệm máu nữa gọi là xét nghiệm dung nạp glucose.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc