Lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

08:46, 21/09/2015
|

(VnMedia) - Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng. Vậy tại sao người dân phải tham gia BHYT theo hộ gia đình và người dân có lợi gì khi tham gia loại hình bảo hiểm này?


     Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


TS. Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng sẽ được giảm trừ mức đóng từ người thứ 2 trở đi. Đến người thứ 5, mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. 

Khi khám, chữa bệnh, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình bình đẳng với các đối tượng khác, mức hưởng BHYT sẽ được cơ quan BHXH, cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về BHYT.

Vì sao người dân phải tham gia BHYT theo hộ gia đình?

Theo TS. Phạm Lương Sơn, mục đích BHYT hộ gia đình vừa để tăng bao phủ BHYT, vừa để cộng đồng có trách nhiệm với người bệnh. Khi trong gia đình có người ốm đau thì chính những người thân trong gia đình phải có trách nhiệm tham gia BHYT. 

Sức khỏe là vấn đề rất nhiều rủi ro, không ai có thể biết trước được, có những người không tham gia, không may bị bệnh. trở thành thảm họa với gia đình bởi chi phí y tế quá lớn mà không có BHYT chi trả. Nhất là những gia đình lao động nhỏ, thủ công, ở mức trung bình (không phải hộ cận nghèo, hộ nghèo) nên việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là tự trang bị “phao cứu sinh” cho bản thân và gia đình, vì Quỹ BHYT đã chi trả phần lớn kinh phí trong quá trình điều trị cho những người bệnh có thẻ BHYT.

Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình, phù hợp với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới. Trong điều kiện nhiều người dân chưa ý thức tự giác trong việc chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT thì việc ràng buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình là giải pháp khả thi để đảm bảo phần lớn người dân được hưởng lợi từ chính sách BHYT, nhất là trong điều kiện hiện nay, tình hình dịch bệnh, ô nhiễm diến biến hết sức phức tạp, mức độ bệnh tật, rủi ro dễ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.

Đồng thời, tham gia BHYT theo hộ gia đình là giảm gánh nặng tài chính cho người đóng BHYT. Nếu như tham gia BHYT theo quy định trước đây thì mọi người đều đóng một mức như nhau là bằng 4,5% mức lương cơ sở. Nhưng quy định mới về tham gia BHYT theo hộ gia đình thì chỉ người đầu tiên đóng bằng số tiền trên, mức đóng BHYT được giảm dần theo số lượng lượng thành viên tham gia theo mức bằng 70%, 60%, 50% và 40% so với người đầu tiên.

Người dân được đóng BHYT 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần cho số tiền tham gia BHYT hằng năm. Nếu trong hộ gia đình có một người mắc bệnh nặng thì số tiền tham gia BHYT nói trên của hộ gia đình không thể bù đủ cho chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho thành viên bị bệnh.

Bên cạnh đó, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhằm từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mà mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau, và mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. Thực tế cho thấy khi tham gia BHYT tự nguyện, người dân chỉ mua thẻ BHYT cho những người có bệnh tật hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao, những người mạnh khỏe trong gia đình thì không, thậm chí khi người bệnh nhập viện thì người nhà mới đi mua thẻ BHYT, từ đó dẫn đến mất cân đối trong công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Để thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, ngày 8/6/2015 Bảo hiểm xã hội Việt nam ban hành công văn số 2085/BHXH-BT về việc đơn giản thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Theo đó, quá trình làm thủ tục không bắt buộc người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia BHYT của thành viên hộ gia đình (như photocopy thẻ BHYT của thành viên hộ gia đình đã tham gia BHYT; không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã).      


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc