(VnMedia) - Cho tới quí 2/2015, mới chỉ có 0,39% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, trong đó, đa phần là những người lao động đã đóng BHXH bắt buộc và đóng thêm để đủ số năm nhận lương hưu.
Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo “Hướng tới một hệ thống BHXH dễ tiếp cận – minh bạch – bền vững” vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/9.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến quí 2/2015, có khoảng 11,6 triệu người tham gia BHXH, trong đó có 11,45 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Những người này thuộc khu vực công, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và được hưởng 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất.
Đối với BHXH tự nguyện, hình thức này được áp dụng từ 1/1/2008 và họ chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất
Tuy nhiên, từ khi áp dụng tới nay, số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, chủ yếu những người tham gia là người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nhưng thiếu số năm đóng nên họ đóng thêm để được nhận lương hưu.
Mặc dù Luật BHXH 2014 đã có một số giải pháp linh hoạt để thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện như: không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện; hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng; linh hoạt trong phương thức đóng; hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ Ngân sách nhà nước nhưng tỷ lệ người tham gia cải thiện rất chậm trong thời gian qua. Nếu như năm 2013, tỷ lệ này là 0,36% lực lượng lao động thì tới nay, tỷ lệ này mới chỉ tăng 0,03 điểm phần trăm, đạt 0,39%.
BHXH tự nguyện không hấp dẫn người lao động (Ảnh minh họa) |
Nhiều bất cập
Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, hiện nay, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện phần lớn là một bộ phận những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu. Việc thực hiện BHXH đối với lao động trong khu vực phi chính thức đang vấp phải rất nhiều rào cản.
Theo PGS.TS Lê Thị Hoài Thu, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, một trong những bất cập lớn nhất đó là sự khác biệt trong chế độ bảo hiểm. Cụ thể, BHXH tự nguyện chỉ thực hiện với hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi đó BHXH bắt buộc có tới 5 chế độ gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Đây chính là rào cản khiến người lao động ở khu vực này ít tham gia vào loại hình BHXH, nhất là đối với những lao động nữ.
Mặt khác, để hưởng hai chế độ dài hạn trên, người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tới 22% mức thu nhập hàng tháng do người lao động lựa chọn, cao hơn 14% so với người tham gia BHXH bắt buộc (chỉ là 8%).
Theo Ths. Trần Thị Thúy Nga, có rất nhiều thách thức khi thực hiện BHXH đối với lao động trong khu vực phi chính thức. Đó là những người lao động thuộc khu vực phi chính thức có thu nhập thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, sự quan tâm và hiểu biết của người lao động về BHXH còn rất hạn hẹp. “
Hướng tới một hệ thống BHXH dễ tiếp cận, minh bạch và bền vững
Bà Nga cho biết, muốn thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện cần linh hoạt trong thực thi các chính sách. Theo đó, người lao động không nhất thiết đóng BHXH mỗi tháng 1 lần, mà đóng theo quý hoặc theo năm, thậm chí, 1 lần có thể đóng cho nhiều năm còn thiếu.
Đồng quan điểm bà Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: Phải công bằng, hiệu quả trong quản lý nguồn quỹ BHXH. Muốn vậy, phải có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt, cập nhật chính xác đóng hưởng. Đặc biệt phải xây dựng hệ thống lương hưu đa trụ cột để người lao động có thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu khi về hưu mới hút người dân tham gia.
Ý kiến bạn đọc