(VnMedia) - TS. Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng cho biết, các triệu chứng biểu hiện ở bệnh nhân ung thư phổi dễ nhầm lẫn với triệu chứng của một số bệnh lý khác ở phổi thường gặp. Do vậy, nếu không khám bác sĩ chuyên khoa sẽ không phát hiện được bệnh.
Hình ảnh phổi bị ung thư. Ảnh minh họa.
Các bệnh dễ nhầm với ung thư phổi
Viêm phổi: Các bệnh nhân cũng có biểu hiện sốt, ho, khạc đờm mủ, đáp ứng tốt với điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, các phim X quang phổi chụp lại sau điều trị thấy tổn thương không thuyên giảm, trong những trường hợp này, các thầy thuốc thường chỉ định thêm chụp cắt lớp vi tính ngực, nội soi phế quản, hoặc sinh thiết phổi;
Áp xe phổi: nhiều trường hợp ung thư phổi hoại tử ở giữa, do đó gây ra hình ảnh X quang tương tự áp xe phổi. Tuy nhiên, những trường hợp này, hang thường lệch tâm, thành dày, nham nhở, hoặc có thể có kèm theo hạch trung thất …
Tràn dịch màng phổi: nhiều trường hợp ung thư phổi có tràn dịch màng phổi, vùng tràn dịch che lấp u phổi, làm các thầy thuốc không nhìn thấy. Để tránh bỏ sót những trường hợp này: tất cả những bệnh nhân sau khi tháo hết dịch đều cần chụp lại X quang phổi để đánh giá
Hen phế quản : những trường hợp u nội khí phế quản có thể gây các biểu hiện thở rít, làm các thầy thuốc nhầm với chẩn đoán hen phế quản, từ đó có điều trị không phù hợp. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, thuốc giãn phế quản thường ít có tác dụng.
Biện pháp chẩn đoán ung thư phổi
Khi có dấu hiệu ung thư phổi, người bệnh sẽ được thực hiện các chẩn đoán để khẳng định bệnh hoặc tìm ra các nguyên nhân khác không phải bệnh ung thư phổi. Các chẩn đoán thường như sau:
- Khám sức khỏe: Kiểm tra hình ảnh có thể phát hiện ổ bệnh, một số biểu hiện khác thường đặc biệt có thể làm căn cứ cho việc chẩn đoán, cũng là căn cứ để phân chia giai đoạn ở bệnh nhân ung thư phổi.
- Chụp X-quang ngực: Là cách chủ yếu để phát hiện ung thư phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT scan vùng bụng, vùng đầu giúp cho việc kiểm tra tình trạng ổ bệnh di căn và cũng là phương pháp quan trọng trong kiểm tra ung thư phổi.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Dễ dàng phân biệt trung thất, huyết quản cuống phổi với khối u và hạch, tạo hình ảnh đa chiều có thể xác định tốt hơn phạm vi và những mạch máu liên quan đến khối u. Nhưng đối với hiệu quả hiển thị khối u thực tế thì không rõ ràng bằng CT scan.
- PET/CT: Khác hơn so với các kỹ thuật kiểm tra hình truyền thống, phương pháp này cho thấy sự thay đổi trong trao đổi chất của ổ bệnh, vì vậy mà nó có giá trị chẩn đoán nhất định.
Các thủ thuật sau được thực hiện để lấy mẫu bệnh phẩm:
- Kiểm tra tế bào học đờm: chất lỏng đặc (đờm) được ho ra từ phổi sẽ được xét nghiệm để kiểm tra tế bào ung thư.
- Xét nghiệm hút dịch phổi: Một ống kim dài được dùng để lấy chất lỏng (dịch màng phổi) từ lồng ngực nhằm xét nghiệm tế bào ung thư.
- Nội soi phế quản: Một ống mỏng, nhẹ (một ống soi phế quản) được đưa qua mũi hoặc miệng vào phổi và lấy mẫu xét nghiệm ung thư
- Chọc hút bằng kim mảnh: Một kim nhỏ được dùng để lấy các mô hoặc dịch từ phổi hoặc hạch bạch huyết.
- Mở sinh thiết: Trong trường hợp các mô khối u khó để lấy được, sinh thiết trực tiếp vào khối u phổi hoặc các hạch bạch huyết thông qua một vết rạch ở thành ngực có thể cần thiết.
Ý kiến bạn đọc