(VnMedia) - PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau khi kết thúc chiến dịch, gần 20 triệu trẻ, đạt tỷ lệ 98,2% số trẻ từ 1 -14 tuổi, đã được tiêm vắc xin Sởi - Rubella. 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi - Rubella trên 95%.
PGS.TS.Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã thông tin cho báo chí về kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella (MR) cho trẻ 1-14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - Rubella miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi trên phạm vi toàn quốc được thực hiện từ tháng 9/2014 đến tháng 5/2015. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay. Mục tiêu của chiến dịch phải đạt tỷ lệ 95% trên quy mô xã, phường, thị trấn.
Sởi - Rubella là hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra, bệnh có tính lây truyền cao và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh sau khi mắc. Nếu người mẹ nhiễm Rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra xảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ mới sinh. Bệnh sởi và Rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu, bởi vậy, tiêm vắc xin là cách tốt nhất và chủ động để phòng các dịch bệnh này.
Ông PGS.TS.Trần Đắc Phu cho biết, kết quả của chiến dịch đã góp phần rất lớn trong việc khống chế dịch sởi tại Việt Nam năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm, cả nước chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc sởi và không ghi nhận các ổ dịch sởi.
“Như mọi người thường vẫn nói, đi qua đầu giường cũng có thể mắc sởi, bởi vậy đây là căn bệnh có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Riêng rubella tuy không quá nguy hiểm, nhưng lại để lại di chứng lâu dài đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai”, PGS Phu nhấn mạnh.
Theo PGS.TS.Trần Đắc Phu, đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, chiến dịch đã tiêm cho 20 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, chiến dịch này còn đạt được 95% tỷ lệ tiêm chủng ở quy mô xã, phường không kể vùng nông thông hay thành thị, miền núi hay đồng bằng. Điều này vượt xa so với mục tiêu của WHO là đạt 95% quy mô quận huyện.
Về kết quả đánh giá đạt tỷ lệ cao trong chiến dịch tiêm chủng sởi – rubella, ông Phu cho biết, kết quả này dựa trên danh sách các địa phương gửi về, ngoài ra WHO cũng đã đi đến tận cơ sở để nắm bắt tình hình cũng như đánh giá về kết quả thực hiện.
Tuy nhiên, ở những nơi có biến động dân số lớn như: Hà Nội, TP HCM, và một số thành phố khác… để nắm bắt được đối tượng này thì cần dựa vào việc khai báo tạm vắng, tạm trú…
“Tuy đạt được kết quả cao, nhưng trong quá trình thực hiện chiến dịch, điều lo lắng nhất không chỉ đối với các lãnh đạo mà cả với các nhân viên y tế thực hiện đó là những tai biến xảy ra ngoài ý muốn, bởi chỉ cần xảy ra một tai biến nhỏ sẽ làm mất lòng tin của người dân đối với vắc xin nói chung và chiến dịch nói riêng”, TS Phu nói.
Ảnh minh họa.
Thêm 2 văcxin mới tiêm chủng miễn phí cho trẻ
Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong thời gian tới sẽ có thêm 2 văcxin mới tiêm chủng miễn phí cho trẻ . Theo đó, ngành y tế đang lập kế hoạch để đưa 1-2 văcxin mới vào tiêm miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước mắt từ tháng 6 vừa qua đã bắt đầu tiêm mũi sởi-rubella khi trẻ được 18 tháng tuổi thay thế mũi sởi đơn nhắc lại. Sắp tới sẽ tiêm tiếp mũi này cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ .
Dự kiến tháng 5/2016, trẻ sẽ được tiêm văcxin bại liệt bất hoạt thay cho văcxin bại liệt đường uống giảm độc lực hiện nay. Theo đó, mỗi trẻ được tiêm một mũi kết hợp với sử dụng 3 liều bại liệt dạng uống.
Theo TS Đức Anh, sở dĩ phải chuyển sang vắc xin bại liệt dạng tiêm do vắc xin dạng uống thải virus sống giảm độc lực ra ngoài môi trường, trong điều kiện nhất định virus này có thể quay trở lại gây bệnh.
Vắc xin bại liệt đường uống được sử dụng khi bệnh dịch đang lưu hành và có hiệu quả quả tạo miễn dịch cao, cắt đứt đường lây nhiễm, nhưng đến khi ca bệnh giảm ổn định, để tiến tới thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu thì cần chuyển sang dạng tiêm.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tự sản xuất được văcxin ngừa tiêu chảy do rotavirus. Thời gian tới, Viện có kế hoạch đưa vào tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Chương trình tiêm mở rộng hiện có 11 loại văcxin phòng 12 bệnh (2 loại mới nhất vừa được đưa vào là phòng sởi-rubella và viêm não Nhật Bản).
Ý kiến bạn đọc